Tinh giản bộ máy và trường đào tạo đặc thù: Cần tiếp tục nghiên cứu những giải pháp phù hợp

Được xem là “cái nôi” đào tạo đặc thù các ngành liên quan đến văn hóa nghệ thuật, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (TCVHNT) Thừa Thiên Huế đang đứng trước nỗi lo một khi bị sáp nhập sẽ đối mặt rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến vấn đề bảo tồn, phát huy các ngành nghệ thuật truyền thống.

 Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp năm 2023

Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế được thành lập vào năm 1977, trải qua hơn 45 năm hoạt động đây được xem như là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ chất lượng cao của tỉnh nhà. Ngoài những chuyên ngành đào tạo, như âm nhạc, mỹ thuật, múa…, trường còn đào tạo một số chuyên ngành đặc thù mang đậm bản sắc văn hóa Huế và trở thành thế mạnh như tuồng, ca Huế - ca kịch Huế, Nhã nhạc cung đình Huế.

Trong lộ trình sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay đã phát sinh một số vướng mắc, đặc biệt là đơn vị đào tạo ngành nghề đặc thù như văn hóa nghệ thuật. Vì thế, trường đã xin ý kiến có thể cho áp dụng cơ chế đặc thù, chuyên biệt để xét đặc cách không sáp nhập vào các trường cao đẳng nghề khác. Đồng thời, mong được quan tâm hỗ trợ, cho phép đầu tư nâng cấp trường thành Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế, nhằm thực hiện sứ mệnh đào tạo lớp học viên với các môn học liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, đảm bảo nguồn nhân lực trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống.

Trao đổi với chúng tôi, ThS. Nguyễn Văn Mãi, Hiệu trưởng Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế cho rằng, chủ trương tinh giản bộ máy là một chủ trương phù hợp. Tuy nhiên, khi sáp nhập cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng với các trường có cùng chức năng, nhiệm vụ, đào tạo các ngành nghề có tính chất tương đối giống nhau. Theo ông Mãi, kinh nghiệm của các địa phương là sau khi sáp nhập trường văn hóa nghệ thuật vào các trường khác thì hầu như chức năng đào tạo văn hóa nghệ thuật dần bị “teo” lại và gần như mất hẳn. Như vậy, nguồn nhân lực trên lĩnh vực này sẽ bị thiếu hụt trong tương lai. Đối với Huế, một địa phương vốn là vùng đất của di sản, văn hóa đóng vai trò quan trọng thì việc sáp nhập càng phải được cân nhắc kỹ lưỡng hơn.

Vừa qua, tỉnh đã xây dựng đề án sáp nhập một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, trong đó có Trường TCVHNT. Tuy nhiên, quá trình phân tích, đánh giá, lãnh đạo tỉnh, đã có chủ trương giữ lại trường đến năm 2025 để xây dựng đề án nâng cao chất lượng hoạt động của nhà trường. Đây là một chủ trương rất đúng đắn của lãnh đạo tỉnh, nhất là khi chúng ta đang phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. “Tôi cho rằng, đối với một địa phương như chúng ta, việc có một trường đào tạo đặc thù, chuyên sâu như Trường TCVHNT là rất cần thiết bởi thông qua công tác đào tạo để góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế”, ông Mãi nhận định.

Người đứng đầu ngôi trường này cũng cho hay, mong muốn lớn nhất của nhà trường hiện nay là sớm được các cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt cho phép thành lập Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Huế trên cơ sở Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế vào năm 2025. Bởi theo ông, trong tương lai trường sẽ là cơ sở đào tạo có thực lực, có bề dày hơn 45 năm hình thành và phát triển, có đội ngũ cán bộ, giảng viên có tay nghề và tâm huyết, có thể đảm nhận tốt nhiệm vụ đào tạo đa ngành ở bậc cao đẳng, sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng cho địa phương và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. “Đặc biệt trường sẽ mang lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là sứ mệnh đào tạo thế hệ kế cận có thể phục hồi, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại: Nhã nhạc Cung đình Huế và Ca Huế”, ông Mãi nói thêm.

Trong một dịp làm việc với Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã kiến nghị với đoàn liên quan đến vấn đề sáp nhập các trường văn hóa nghệ thuật trên cả nước nói chung và Huế nói riêng. Theo ông Hải, với Huế, Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế có vai trò, thiết chế vô cùng đặc thù. Ở đó, chú trọng vào việc đào tạo kỹ năng và chuyên môn để bảo tồn giá trị di sản văn hóa truyền thống. Do vậy, đó không chỉ là cấp đào tạo quan trọng mà còn chiến lược trong việc bảo tồn văn hóa Huế.

Trước đó, lãnh đạo tỉnh khi làm việc với Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế cũng đánh giá cao những kết quả của trường từ việc thay đổi trong cách điều hành, áp dụng cách tuyển sinh mới, số lượng học viên của trường tăng nhiều so với giai đoạn trước, cơ sở vật chất được mở rộng, khang trang. Trước đề nghị không sáp nhập và phát triển trường trở thành trường cao đẳng cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ nhưng cần nghiên cứu thêm.

(Nguồn: baothuathienhue.vn)

Ngày đăng: 29-11-2023