Thảnh thơi đi thi đánh giá năng lực

Không kẹt xe, không áp lực, không học gạo, không học tủ... Đó là kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức liên tiếp 6 năm gần đây. Năm nay, đợt 1 kỳ thi này diễn ra chỉ trong buổi sáng 26-3.


Hướng dẫn thí sinh tham dự kỳ thi đá nh giá năng lực tại điểm thi Trường đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) vào sáng 26-3 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đợt thi này thu hút đông thí sinh nhất từ trước tới nay, với gần 90.000 thí sinh đến từ 1.885 trường THPT trên cả nước. Đến nay, có 87 trường đại học, cao đẳng sẽ sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh. Quy mô của kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM tăng nhanh thể hiện sự tin tưởng của các trường đại học, cao đẳng và của xã hội vào kỳ thi.
"Bài thi đánh giá năng lực chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề... chứ không đơn thuần đánh giá về mặt nhớ kiến thức." Ông NGUYỄN QUỐC CHÍNH
"Thi đại học" chỉ trong 1 buổi
Do kỳ thi chỉ diễn ra trong một buổi sáng chủ nhật nên tại TP.HCM thí sinh đi thi rất thoải mái. Ở khu vực nội thành, gần các điểm thi không hề có cảnh ùn tắc giao thông thường thấy trong các kỳ thi lớn. 

Theo báo cáo về tình hình tổ chức kỳ thi, ở tất cả điểm thi không xảy ra tình trạng thí sinh đến trễ giờ làm bài. Phần lớn thí sinh tham dự kỳ thi này với tâm trạng thoải mái. Những gương mặt học trò rạng rỡ, tươi cười thay cho sự căng thẳng, áp lực trước giờ thi của thí sinh. 

Trước giờ thi, cảnh thí sinh "cắm mặt" vô tài liệu sách vở để ôn tập, học thuộc lòng hầu như không có; thay vào đó, thí sinh lướt smartphone đeo tai nghe nhạc, đọc tin tức thời sự, chat với người thân và bạn bè...

Sau giờ thi, thí sinh rời phòng thi đúng giờ theo quy định, không ai được ra trước. Theo nhận định của thí sinh, đề thi không quá khó nhưng khá dài. Đề thi không yêu cầu thuộc lòng vì phần lớn dữ liệu được cho sẵn, đa dạng từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội với nhiều câu hỏi thú vị. 

Tuy nhiên để giải đáp được câu hỏi, thí sinh cần có kiến thức cơ bản và có thêm hiểu biết ngoài xã hội. Nhiều thí sinh cho biết phần logic là khó nhất và rất thích kiểu đề này vì không phải học thuộc lòng.

Cách ra đề như vậy đã triệt tiêu kiểu "học gạo", học tủ..., thay vào đó là việc đòi hỏi học sinh phải có nền kiến thức vững được trang bị suốt quá trình học. Cách luyện tập tốt nhất để đạt kết quả tốt trong kỳ thi này chính là học thực chất, đúng phương pháp. 

Vì vậy, các trung tâm luyện thi cho hình thức thi này cũng không thể dễ dàng phát triển tràn lan. Chính những điều này góp phần cho "sức ép" của một kỳ thi quan trọng như tuyển sinh đại học hầu như không còn.

Ứng dụng công nghệ thông tin
Theo TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM - đầu năm 2016, ĐH Quốc gia TP.HCM bắt đầu thực hiện đề án "Xây dựng và tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng tại ĐH Quốc gia TP.HCM" và đã tổ chức kỳ thi này từ năm 2018. 

Đến nay, ĐH Quốc gia TP.HCM đã xây dựng được ngân hàng câu hỏi với số lượng lớn. Việc quản lý ngân hàng câu hỏi, xây dựng đề thi, chấm thi, đánh giá câu hỏi đều được thực hiện với hệ thống phần mềm chuyên dụng, tương đương với các tổ chức đánh giá uy tín trong khu vực và trên thế giới. 

Kết quả đánh giá những năm qua cho thấy ngân hàng câu hỏi của kỳ thi này có độ giá trị, độ tin cậy và độ chọn lọc cao, phù hợp cho mục tiêu tuyển sinh. Đồng thời phương thức đánh giá mới được sự ủng hộ cao của thí sinh, đặc biệt là các phần đánh giá về kỹ năng tư duy logic, xử lý số liệu và giải quyết vấn đề.

Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được xây dựng với cùng cách tiếp cận như bài thi SAT của Hoa Kỳ và bài thi TSA của Anh. Xét về cấu trúc, bài thi đánh giá năng lực này tích hợp được các kỹ năng về đọc hiểu, phân tích vốn được nhấn mạnh ở bài thi SAT và kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề của bài thi TSA. 

Kết quả bài thi được xác định theo phương pháp trắc nghiệm hiện đại. Điểm bài thi được xác định bằng lý thuyết đáp ứng câu hỏi - IRT. Các câu hỏi có độ khó, độ phân biệt khác nhau sẽ có đóng góp khác nhau vào tổng điểm.

"Hằng năm, trung tâm đều có rà soát và loại bỏ các câu hỏi đã ra trong những kỳ thi trước nên sẽ không xuất hiện câu hỏi trùng lặp. Nội dung đề thi không có các vấn đề thời sự do ngân hàng câu hỏi được xây dựng trước, nhưng tăng cường các dạng bài toán thực tế và câu hỏi mang tính thực tiễn cao" - ông Chính cho biết.

Cũng theo ông Chính, hội đồng thi gồm các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM với các quy định, quy trình thống nhất, cùng với các hệ thống chuyên nghiệp: hệ thống đăng ký dự thi, trung tâm in sao đề thi, hệ thống chấm thi, hệ thống quản lý dữ liệu điểm thi, hệ thống đăng ký xét tuyển... tất cả đều ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và đơn vị sử dụng kết quả thi này để tuyển sinh.


Thí sinh chuẩn bị làm bài thi đánh giá năng lực tại điểm thi Trường ĐH Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ước ao các kỳ thi như thi năng lực
Nhiều thí sinh cho hay khi thi đánh giá năng lực, học sinh không cần phải miệt mài luyện thi, chỉ cần nắm vững kiến thức đã học, có kỹ năng phân tích, tổng hợp, giải quyết vấn đề một cách logic sẽ làm bài được.

Nguyễn Thu Thủy (sinh viên Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết: "Cá nhân tôi cảm thấy đề thi đánh giá năng lực rất thú vị, cảm giác như mình đang được thử thách và rất tò mò, hào hứng để vượt qua những thử thách ấy.

Các em của tôi vẫn ước ao rằng phải chi những đề kiểm tra trên lớp hoặc đề thi tốt nghiệp THPT cũng theo kiểu như đề thi đánh giá năng lực thì học sinh chắc sẽ hạnh phúc lắm. Thầy cô sẽ không phải nhồi nhét và ép học sinh học quá nhiều, học sinh cũng không cần phải học ngày học đêm mà có thời gian để suy ngẫm, để trải nghiệm, để rèn luyện kỹ năng"...

Rõ ràng, với một kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức nghiêm túc, nhẹ nhàng như vậy đã được cả xã hội đón nhận. Trong khi đó, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD-ĐT vừa công bố không có khác biệt nhiều so với kỳ thi những năm qua.

Nhiều ý kiến cho rằng cần tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT thật nhẹ nhàng, phù hợp với mục tiêu của kỳ thi. Chương trình giáo dục phổ thông mới được thiết kế theo hướng phát triển năng lực, vì thế cũng cần thiết kế đề thi theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, học môn nào thi môn đó là phù hợp nhất. Khi đó cũng không còn lăn tăn chuyện "không thi thì học sinh không chịu học".

Công bố kết quả ngày 4-4
Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2023 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sáng 26-3 tại 21 địa phương có hơn 87.000 thí sinh dự thi, đạt tỉ lệ khoảng 98%. Kết quả kỳ thi đợt 1 dự kiến sẽ được công bố vào ngày 4-4, thông qua tài khoản cá nhân của thí sinh lúc đăng ký dự thi.

Từ ngày 5-4 đến 28-4, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ bắt đầu mở cổng trực tuyến tại địa chỉ: http://thinangluc.vnuhcm.edu.vn/ để thí sinh đăng ký thi đợt 2. Đồng thời, tất cả các thí sinh đã thi ở đợt 1 và chuẩn bị thi đợt 2 sẽ được đăng ký xét tuyển từ kết quả kỳ thi này. Thí sinh có thể dự thi cả hai đợt thi, kết quả đợt nào cao hơn sẽ được sử dụng để xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm nay.

(Theo: tuoitre.vn)

Ngày đăng: 27-03-2023