Thi tốt nghiệp THPT: Áp lực đè nặng sĩ tử trong giai đoạn “nước rút”

Em Phạm Quyền Linh chịu áp lực về thời gian, điểm số, bạn bè…nên cảm thấy mệt mỏi, đuối sức trong giai đoạn cận thi (Ảnh: Minh Toàn).

Khoảng thời gian đầu tháng 4 đến thời điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT là giai đoạn “nước rút” và được coi là khoảng thời gian quan trọng nhất đối với mỗi sĩ tử.

Nhiều sĩ tử mệt mỏi, muốn bỏ cuộc

Càng gần kỳ thi tốt nghiệp THPT thời gian càng trở nên gấp rút đối với các sĩ tử. Nhiều học sinh tranh thủ từng chút thời gian để có thể tích lũy thêm những kiến thức mới, song hành với việc luyện đề và tổng ôn.

Em Đặng Hoàng Phượng (17 tuổi, THPT Ngô Gia Tự Vĩnh Phúc) cho biết: "Một ngày em chỉ ngủ 4-5 tiếng, thời gian còn lại đều dành cho việc học thêm kiến thức, luyện đề và tổng ôn, nhưng em vẫn không cảm thấy đủ và muốn một ngày có 30 tiếng để em có thể học nhiều hơn…".

Do thời gian nghỉ ngơi ít nên Phượng thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và muốn bỏ cuộc. Nhưng do kỳ thi sắp tới là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời nên Phượng không thể lơ là, chểnh mảng. Phượng nói: "Nhiều khi em thấy đuối lắm muốn được nghỉ ngơi, nhưng nghĩ đến cuộc sống tự do trên đại học nên em lại tự động viên bản thân rồi lại tiếp tục ôn…".

Giống như Phượng và nhiều sĩ tử khác, em Phạm Quyền Linh (17 tuổi, THPT Cổ Loa, Hà Nội) cũng dần trở nên áp lực về thời gian. Linh bắt đầu một ngày học vào lúc 7h sáng và trở về nhà lúc 9h tối. Linh chỉ có 1 tiếng để ăn tối và sau đó lại ngồi vào bàn học để tiếp tục ôn luyện đến 2-3h sáng. Linh cho biết: "Nhìn bạn bè học hành và ôn tập thâu đêm suốt sáng thì bản thân cũng cảm thấy sốt ruột lắm nên không cho bản thân được phép lười biếng.".

Càng gần những ngày thi nhiều sĩ tử càng rối và cuống. Nhiều lúc Linh cảm thấy kiến thức mình ôn chưa đủ, nhưng sợ bắt đầu ôn lại thì không kịp thời gian. Vì vậy để "nạp" đủ và đảm bảo những kiến thức đã học không bị "rơi vãi" mà "những đêm trắng" không còn là câu chuyện quá xa lạ với Linh trong khoảng thời gian này. Linh phải tập thích nghi với quỹ thời gian eo hẹp của bản thân và điều chỉnh những hoạt động thường ngày để tạo điều kiện thích hợp cho việc ôn thi.

Linh phải thích nghi với việc phải ôn thi đến đêm muộn. Linh đã không ngại chuyển bàn học đến gần giường ngủ hơn, thậm chí giường ngủ đôi khi lại là bàn học của Linh. Linh nói: "học xong thì ngủ luôn mai dậy lại ôn tiếp ạ…". Linh sinh hoạt và học tập trên giường để tiện cho việc nghỉ ngơi, hồi sức sau khi kết thúc bài tập trong một ngày.

Ngoài ra, do nhiều trường đại học sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, khiến học sinh bị bối rối khi ôn tập, bởi lượng kiến thức phải "nạp" là quá nhiều. Để thích nghi và đỗ vào trường đại học mong muốn, nhiều thí sinh buộc phải "thức khuya dậy sớm" để ôn luyện được hiệu quả. Tuy nhiên, việc ngủ không đủ giấc lại khiến cho nhiều bạn trở nên mệt mỏi, thiếu tập trung vào ngày hôm sau. Phương pháp nào để giải bài toán cân bằng giữa những sinh hoạt thường ngày và việc ôn luyện của các em học sinh hiện vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Linh cho biết: "Khoảng thời gian đầu, khi bắt đầu ôn và phải tập thức khuya thì em cảm thấy rất mệt mỏi, không thể tập trung nổi, nhưng dần cũng quen. Cũng biết là có hại cho sức khỏe nhưng không biết làm thế nào vì không học, không ôn thì không thi được…".

Thầy cô cũng bận rộn

Đối với mỗi sĩ tử, giai đoạn "nước rút" là giai đoạn quan trọng nhất trọng suốt quá trình học tập và tích lũy kiến thức cho kỳ thì quan trọng nhất. Đây là khoảng thời gian gần thi vì vậy những kiến thức tích lũy được sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kết quả bài thi.

Thầy Nguyễn Quốc Chí (giáo viên dạy Toán, Hà Nội) cho biết, trong quá trình giảng dạy có những bạn học sinh khởi đầu năm học rất tốt, sau đó lại thành chủ quan khiến kiến thức "rơi rụng" nhiều kéo theo điểm số không tốt. Ngược lại khởi đầu có thể chưa như mong muốn, nhưng gần ngày thi kiến thức được "nạp" đủ giúp ta khó quên kiến thức hơn.

Tuy nhiên thầy cũng khẳng định: "Nói như vậy không có nghĩa là cứ để đến giai đoạn cuối mới học, vì học tập là cả một quá trình, điểm số sẽ thật sự cao nếu ta giữ được sự bền bỉ ổn định ngay từ đầu năm học…". Đối với những bạn chủ quan giai đoạn đầu chắc chắn sẽ vất vả và cảm thấy thấp thỏm lo âu trong giai đoạn nước rút này, thầy cho biết thêm.

Không chỉ những sĩ tử mà những thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp hoặc tham gia giảng dạy cũng trở nên bận rộn hơn bất kỳ giai đoạn nào. Thầy Chí cho biết: "Chắc chắn là các giáo viên rất vất vả rồi, vì với hình thức thi trắc nghiệm này dạng bài rất nhiều, khó, lạ. Một ngày tôi vẫn phải dành ra khoảng 8-10 tiếng làm việc, bao gồm việc soạn bài, giảng dạy, giải đáp câu hỏi, chữa đề…".

Thầy cũng cho biết thêm, với môn Toán, việc luyện đề ở giai đoạn này là rất quan trọng bởi khi học sinh làm đề sẽ chủ động phát hiện ra những phần kiến thức bị thiếu, hoặc những lỗi sai hay mắc phải. Từ đó kết hợp với việc học ôn tập bù đắp kiến thức đó. Một tuần học sinh của thầy Chí thường được luyện 3,4 đề và được thầy chữa trực tiếp, tỉ mỉ. Những bạn học sinh khá giỏi, đã có quá trình học tập nghiêm túc từ trước hiện rất hứng thú với những câu thuộc nhóm bài khó (8+, 9+...".

Hàng tuần ngoài những đề tự soạn, thầy Chí còn chữa cho các bạn học sinh những đề thi thử của các trường chuyên, trường top trên toàn quốc để các em được tiếp cận nhiều dạng bài, làm quen với độ khó… Vì những đề được lựa chọn những đề khách quan nhất, có cấu trúc gần giống với đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố.

Thầy Chí cho biết, do trắc nghiệm là dạng thi không thể "học tủ" nên học sinh cũng cần phải luyện tập nhiều mới có khả năng cải thiện điểm. Giai đoạn này là giai đoạn vất vả nhất nó quyết định nhiều đến chất lượng bài thi của các sĩ tử. Vì vậy mà các thầy cô như thầy Chi cũng cảm thấy "đuối" sức khi làm việc hết công suất để truyền tải được những kiến thức, kinh nghiệm thực chiến…Thầy nói: "Nhiều lúc cũng mệt, nhưng thầy vẫn thấy vui và tự hào vì đóng góp phần nhỏ vào thành công của các em học sinh…".

(Nguồn: vtv.vn)

Ngày đăng: 25-04-2023