Vượt qua áp lực thi cử

Những ngày vừa qua, nhiều địa phương trên cả nước tổ chức xong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Kỳ thi đã kết thúc, học sinh phần nào cởi bỏ được áp lực đè nặng nhưng âu lo không phải vì thế mà giảm đi khi kết quả thi chưa được công bố. Trong khi đó, học sinh lớp 12 trên khắp cả nước cũng đang trong giai đoạn “nước rút” chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học căng thẳng.

 

Hình ảnh mà chúng ta dễ dàng nhận thấy là cứ đến gần các kỳ thi, để tích lũy thêm kiến thức, nhiều học sinh quay cuồng với lịch học kín mít, hết học chính khóa đến học thêm, ôn luyện ngày đêm tới mức quên ăn quên ngủ…

Vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10 nhưng em Thùy Linh, ở TP. Đông Hà, vẫn chưa hết lo lắng. Năm nay, em thi vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Nhớ lại những ngày ôn thi, Linh cho biết mình vẫn chưa hết ám ảnh. Càng gần kỳ thi, mỗi ngày em chỉ ngủ khoảng 5 giờ đồng hồ, thời gian còn lại dành cho ôn luyện.

Vậy nhưng càng học, càng thấy lo lắng khi bản thân vẫn còn hổng nhiều kiến thức. Dù tỉ lệ chọi vào môn chuyên mà Linh đăng ký năm nay không cao bằng năm ngoái nhưng vì quá lo lắng, em làm bài không được tốt. Áp lực vì thế lại càng tăng, nhất là sợ ba mẹ thất vọng về kết quả thi của mình.

Nhiều học sinh thi vào THPT cùng chung nỗi lo như vậy nên dù đã qua kỳ thi nhưng chưa thể thở phào nhẹ nhõm.

Với những em thi vào trường chuyên, lớp chọn thì áp lực đó lại càng nặng nề hơn. Một số học sinh chia sẻ, mục tiêu vào trường chuyên, lớp chọn được ba mẹ định hướng từ trước nên khái niệm này không còn quá xa lạ với các em.

Tuy nhiên, gần ngày thi, áp lực đó mới tăng lên khủng khiếp. Đáng nói, phụ huynh vì muốn tốt cho con nên thường đặt mục tiêu cao và hay so sánh lực học của con mình với một số bạn khác khiến nhiều học sinh cảm giác mình phải gánh vác trọng trách nặng nề…

Với học sinh cuối cấp THPT, kỳ thi tốt nghiệp diễn ra vào cuối tháng 6 này rất quan trọng. Kỳ thi là bước ngoặt để mở ra một hành trình mới nên các sĩ tử đều lo lắng vì sợ không đạt được kết quả tốt hay vào được một trường đại học theo nguyện vọng của mình. Trong khi đó, ba mẹ lại đặt rất nhiều hy vọng vào khả năng của con.

Một học sinh chia sẻ, để không phụ lòng ba mẹ, em cố gắng học ngày, học đêm, nhiều khi cảm thấy rất mệt mỏi. Chỉ mong rằng, nếu kết quả thi không được như mong muốn thì ba mẹ hãy động viên để em vượt qua và tiếp tục thử sức mình ở những kỳ thi sau. Bởi em luôn nghĩ, cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra.

Nhưng áp lực học tập, thi cử không chỉ đến từ một phía. Lâu nay, khi nói đến áp lực của con trẻ, nhiều người nghĩ rằng áp lực đó đến từ phía gia đình là chủ yếu. Tuy nhiên, có những bất ổn của trẻ không đến từ trường lớp, gia đình mà do chính bản thân trẻ tạo ra.

Áp lực, sự căng thẳng của học sinh không chỉ vì phía trước là một kỳ thi chuyển cấp mà còn vì mục tiêu do chính các em đặt ra. Đáng nói là đôi khi, mục tiêu đó lại vượt quá khả năng của các em.

Một phụ huynh có con năm nay bước vào lớp 10 chia sẻ, do học trong môi trường có quá nhiều bạn giỏi nên áp lực thi vào trường chuyên cho bằng bạn, bằng bè khiến con chị rơi vào trạng thái lo lắng quá mức.

Phụ huynh này thừa nhận, việc hướng con thi vào trường chuyên, lớp chọn là do mình đặt ra trước đó, khi con vào khoảng giữa những năm học cuối cấp 2.

Tuy nhiên, đây chỉ là mục tiêu để thúc đẩy sự phấn đấu ở con. Lúc ba mẹ đặt ra mục tiêu thì con thờ ơ, thậm chí chểnh mảng việc học.

Nhưng vào giai đoạn nước rút, thấy bạn bè trong lớp ai cũng có khả năng thi đậu vào ngôi trường mơ ước đó nên áp lực cứ thế đè lên suy nghĩ của con.

Vì quá lo lắng, bất cứ đi đâu, làm việc gì, câu hỏi luôn quẩn quanh trong đầu con chị là làm sao để đậu vào trường chuyên, nếu chẳng may rớt thì sẽ như thế nào? Đến mật khẩu màn hình máy tính và tên con vật trong nhà cũng được đặt, gọi theo tên của ngôi trường con muốn vào học trong những năm cấp 3.

Cùng với ước muốn đó, cháu lao vào học đến 2-3 giờ sáng, kéo dài trong nhiều ngày dẫn đến cơ thể mệt mỏi, đầu óc không linh hoạt.

Phát hiện ra những bất thường đó, phụ huynh này phải theo sát con, từng bước cởi bỏ áp lực phải bằng mọi cách thi đỗ vào trường chuyên của con mình.

Nhiều phụ huynh cũng có chung nỗi lo con cái tự tạo áp lực cho bản thân, bởi ai cũng hiểu, áp lực này một mặt giúp các con có động lực để hoàn thiện mình nhưng khi sự cố gắng không như mong muốn sẽ dẫn đến sự đổ vỡ, suy sụp tinh thần, thậm chí có ý nghĩ tiêu cực.

Thời nào cũng vậy, thi cử luôn tạo ra những áp lực không nhỏ đối với học sinh và gia đình các em. Mỗi kỳ thi đều là những mốc quan trọng trong cuộc đời nên việc lo lắng và cảm thấy áp lực là điều không thể tránh khỏi.

Tùy vào những mục tiêu được đặt ra khác nhau mà học sinh có những áp lực khác nhau. Khi nói về áp lực thi cử, có nhiều ý kiến cho rằng vẫn cần áp lực để con trưởng thành và chịu được những áp lực lớn hơn sau này.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến là nên để các con được thoải mái phát huy phẩm chất, năng lực, không nên để trẻ phải chịu áp lực từ các kỳ thi, nhất là ở bậc học dưới.

Tuy nhiên, một quan điểm được nhiều người thống nhất, đó là dù áp lực đến từ phía nào thì phụ huynh vẫn là những người đồng hành, thấu hiểu và cởi bỏ áp lực cho con. Ba mẹ hãy là người đưa ra tư vấn và sự lựa chọn phù hợp với khả năng của con mình.

Với học sinh, cần xác định học tập là cả một quá trình tích lũy kiến thức để từ đó có sự chuẩn bị trước chứ không phải đợi “nước đến chân” mới nhảy.

Ngoài kiến thức, sức khỏe và sự ổn định tâm lý cũng là những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong học hành, thi cử.

Hãy đặt mục tiêu phù hợp với năng lực bản thân; có phương pháp học tập khoa học, đồng thời quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần… để từng bước vượt qua áp lực của những kỳ thi.

(Nguồn: baoquangtri.vn)

Ngày đăng: 10-06-2023