Chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Hơn một tuần nữa, hơn 1 triệu thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thời điểm này, 63/63 tỉnh, thành đã và đang rà soát, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất và các khâu chuẩn bị để tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và minh bạch.

Năm nay, có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.

Rà soát tối đa, lường trước các tình huống bất thường

Từ kinh nghiệm tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi vào lớp 10 vừa qua, một vấn đề được đặt ra đó là việc in sao đề thi không thể trông chờ hoàn toàn vào máy móc. Là địa phương có số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước, Hà Nội phải sử dụng 11 tấn giấy để in sao đề thi của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT. Máy photo dùng trong bản in sao đề thi của Hà Nội là những máy đặc chủng, tốc độ cao. Tuy nhiên do số lượng bản in quá lớn nên máy dễ bị trục trặc, thường phải bảo dưỡng. Vì vậy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị ban chỉ đạo thi cấp quốc gia, nếu được quy định trong ban in sao đề phải có ít nhất một kỹ thuật viên biết sửa chữa máy photo, tránh trường hợp in sao đề không chuẩn dẫn tới hiểu lầm đề thi của một số học sinh trong đợt thi vào lớp 10 vừa qua.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tổ chức trên quy mô lớn, cùng một thời điểm với sự tham gia của hơn 1 triệu thí sinh, khoảng 250.000 người tham gia công tác tổ chức thi, tổ chức ở các vùng miền địa hình khác nhau nên công tác bảo đảm an ninh, an toàn hết sức khó khăn, cần phải có kế hoạch, giải pháp. Cùng với đó, kỳ thi có thể xảy ra nhiều tình huống bất thường, chưa có tiền lệ, từ thiên tai, thời tiết, đến phương tiện kỹ thuật, yếu tố con người nên cần lường trước để rà soát tối đa.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các tỉnh, thành quán triệt tinh thần phân cấp, phân quyền, thống nhất thông suốt trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức kỳ thi. Các địa phương chuẩn bị đầy đủ, tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm về điện cho kỳ thi; đặc biệt công tác in sao đề thi, làm phách, chấm thi - làm sao cán bộ làm công tác này bảo đảm sức khỏe, thoải mái về tinh thần để làm tốt. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả đáng tiếc.

Đến thời điểm này, 63/63 tỉnh, thành đã và đang rà soát, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất và các khâu chuẩn bị để tổ chức kỳ thi. Ban Chỉ đạo thi của các địa phương đều nêu cao tinh thần thận trọng, không chủ quan, bảo đảm 100% điểm thi đều được kiểm tra ở tất cả các khâu; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật đề thi, bảo đảm không để lộ, lọt đề thi.

Phối hợp liên ngành

Tại Hội nghị về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 giữa Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh vừa tổ chức mới đây, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế Vương Ánh Dương đã yêu cầu các sở y tế chuẩn bị, đảm bảo phòng, chống dịch bệnh tại các điểm thi; thường trực cấp cứu đối với các tình huống bất ngờ.

Trong đó, lưu ý về vị trí địa điểm đặt phòng cấp cứu tại các điểm thi phải phù hợp, thuận tiện công tác cấp cứu nhanh, kịp thời. Bố trí phòng đủ rộng, đủ thoáng để thực hiện các biện pháp cấp cứu hiện trường nhanh chóng.

Ngoài ra, thời điểm tổ chức thi thường xảy ra các dịch bệnh liên quan quan đến an toàn thực phẩm, do vậy, Bộ Y tế cũng yêu cầu các sở y tế thành lập các đoàn, tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại các hàng quán, khu vực ăn uống xung quanh các điểm thi, phòng ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh mùa hè có thể xảy ra.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh - Phó cục trưởng Cục A05 (Bộ Công an) cho biết, cơ quan an ninh đã phát hiện những trang rao bán thiết bị có thể sử dụng để gian lận thi cử. Có những thiết bị rất nhỏ được ngụy trang như đồng hồ, nút áo, khuyên tai, máy tính bỏ túi. Các thiết bị thường được giấu trên người thí sinh và truyền, nhận thông tin với bên ngoài qua thiết bị trung chuyển…Vì thế, việc bố trí địa điểm để đồ dùng, tư trang của thí sinh cách ít nhất 25m vẫn phải được các điểm thi tuân thủ.

Cùng với việc rà soát những trang rao bán thiết bị nêu trên để ngăn chặn nguy cơ gian lận, đại diện A05 Bộ Công an đề nghị các địa phương phối hợp tập huấn kỹ cho giám thị về các thủ đoạn, thiết bị gian lận.

Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục Đào tạo cho biết, do thị trường có nhiều loại máy tính cầm tay mới nên Bộ không quy định danh mục như trước. “Nguyên tắc căn bản là máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản, lưu giữ thông tin thì được phép sử dụng. Trong khi tập huấn cho giám thị, mỗi địa phương có thể chủ động có những quy định, hướng dẫn nhằm đảm bảo an toàn” – Cục trưởng Huỳnh Văn Chương nói.

Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Đức Cường cho biết Bộ đã huy động gần 8.000 cán bộ, giảng viên trường đại học làm công tác thanh tra để giám sát các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cùng với các đoàn thanh tra của 63 tỉnh, thành phố, Bộ Giáo dục Đào tạo cũng tổ chức các đoàn thanh tra sâu, các đoàn kiểm tra trước, trong và sau kỳ thi.

Dự kiến trong tuần này, các địa phương sẽ tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ coi thi. Tại Hà Nội, ngày 22/6, Sở GDĐT Hà Nội sẽ tổ chức tập huấn với tinh thần bảo đảm nắm vững quy chế, không chủ quan khi thực hiện nhiệm vụ. Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng lưu ý, Ban Chỉ đạo các địa phương cần tổ chức tốt công tác tập huấn. Trong tập huấn nên cá thể hóa từng đối tượng (Chủ tịch hội đồng, Thư ký hội đồng, cán bộ coi thi, phục vụ, làm phách…) phải rõ chức năng, nhiệm vụ của mình. Công tác tập huấn cũng là chuẩn bị nhân lực cho tổ chức kỳ thi.

(Nguồn: daidoanket.vn)

Ngày đăng: 19-06-2023