Bí quyết đạt điểm cao môn Ngữ văn

Giáo viên chỉ ra một số điểm học sinh cần lưu ý trong giai đoạn ôn tập nước rút để làm tốt bài thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Ngữ văn là môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Việt Hùng.

Chỉ ít ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ chính thức diễn ra. Đây là kỳ thi quan trọng, có vai trò quyết định đến những lựa chọn tương lai của thí sinh.

Ngữ văn là môn thi đầu tiên của kỳ thi này. Đây cũng là bài thi tự luận duy nhất và có thời gian làm bài dài nhất. Chính vì vậy, học sinh thường dành sự quan tâm đặc biệt cho môn học này.

Nắm chắc cấu trúc đề thi

Cô Nguyễn Thanh Hường, giáo viên Ngữ văn, trường THPT Edison, nhận định nếu học sinh có phương pháp ôn tập khoa học, việc làm bài thi môn Ngữ văn sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Cô Hường chỉ ra một số điểm cần lưu ý trong giai đoạn ôn tập nước rút, giúp thí sinh chuẩn bị sẵn sàng cho bài thi này.

Theo cô Hường, chỉ cần quan sát các đề thi chính thức và đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT từ năm 2017 đến nay, học sinh dễ dàng nhận thấy cấu trúc đề thi môn Ngữ văn có tính ổn định cao.

Theo đó, phần Đọc hiểu bao gồm 4 câu hỏi khai thác đoạn văn bản chưa từng xuất hiện trong chương trình sách giáo khoa. Phần Làm văn gồm một câu yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ và một yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học về một trích đoạn hoặc một đặc sắc nghệ thuật từ tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 12.

"Việc nắm chắc cấu trúc đề thi sẽ giúp học sinh xác định được những đơn vị kiến thức và kỹ năng làm bài cần chuẩn bị", cô Hường nhận định.

Lưu ý phần Đọc hiểu

Theo cô Hường, với phần Đọc hiểu, các câu hỏi nhận biết thường xoay quanh khái niệm về thể thơ, phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận…

Với các đơn vị kiến thức này, học sinh nên tự tổng hợp các phân loại kèm theo cách nhận biết đối với mỗi khái niệm. Các em có thể hệ thống hoá kiến thức bằng sơ đồ tư duy, sơ đồ khối hoặc kẻ bảng, tuỳ thuộc vào thói quen tư duy của từng bạn.

Ở câu hỏi thông hiểu, thí sinh cần đọc kỹ và phân tích chính xác yêu cầu của đề bài là xác định các từ ngữ, hình ảnh, chi tiết được tác giả sử dụng trong bài, hay thông tin thí sinh thu nhận được sau quá trình đọc văn bản.

Trong quá trình đọc và xác định các chi tiết, thí sinh nên gạch chân các từ khoá, hình ảnh trọng tâm để khi trả lời vào thẳng vấn đề, tránh lan man.

Câu hỏi số 3 của phần Đọc hiểu thường hỏi về khả năng xác định giá trị nghệ thuật của biện pháp tu từ hoặc giải thích cách hiểu về một diễn đạt nghệ thuật trong văn bản.

Để làm tốt dạng câu hỏi này, bên cạnh việc nắm chắc hệ thống biện pháp tu từ và dấu hiệu nhận biết, học sinh cũng cần lưu ý việc diễn đạt thành 3-5 câu văn trôi chảy và rõ ý.

Yêu cầu cuối cùng của phần Đọc hiểu thường là dạng câu hỏi mở để thí sinh có cơ hội thể hiện quan điểm, suy nghĩ của cá nhân mình. Với dạng câu hỏi này, cô Hường khuyên thí sinh không nên rập khuôn đáp án là “đồng ý”, “không đồng ý” hay “không hoàn toàn đồng ý” mới là đáp án chính xác.

"Điều quan trọng là trong khoảng 5-7 câu văn ngắn, các em có thể nêu rõ quan điểm, cách hiểu của mình kèm theo các diễn giải logic, hợp lý, thuyết phục", cô Hường khuyên.

thi dai hoc anh 1

Cô Hường lưu ý học sinh cần ôn kỹ nhất câu nghị luận xã hội vì chiếm 50% số điểm của bài thi. Ảnh: Pexels.

Lưu ý phần Làm văn

Bước sang phần Làm văn, câu nghị luận xã hội thường được gợi dẫn từ một vấn đề của văn bản ở phần Đọc hiểu. Câu hỏi này thường được yêu cầu trả lời với dung lượng 200 chữ. Tuy nhiên, cô Hường cho hay thí sinh không cần quá lo lắng về số chữ chính xác mình đã sử dụng để viết bài.

Thay vào đó, các em nên tự cân đối bài viết khoảng từ 2/3 đến một trang giấy thi. Điều này đảm bảo phần trình bày súc tích, mạch lạc, đồng thời đủ “đất” để các em thể hiện suy nghĩ, quan điểm của mình.

Trong quá trình ôn tập cho phần yêu cầu này, thí sinh cần đặc biệt chú ý đến cấu trúc lập luận và dẫn chứng. Các em có thể chọn các cấu trúc lập luận khác nhau để phù hợp với cách tư duy của mình, nhưng đoạn văn “tổng - phân - hợp” với đầy đủ giải thích, phân tích/chứng minh, bàn luận, liên hệ/ bài học thường là lựa chọn cơ bản và sáng rõ nhất.

Bên cạnh đó, những ngày ôn tập cuối cùng trước kỳ thi cũng có thể là thời điểm để học sinh tăng tốc tích luỹ kho dẫn chứng thực tế của mình. Lưu ý, những dẫn chứng thực tế, mới mẻ, thời sự sẽ được giám khảo hoan nghênh và đánh giá cao, đồng thời giúp bạn cảm thấy gần gũi, sáng tạo hơn khi làm bài.

Trong khi đó, cô Trịnh Thu Tuyết - giáo viên môn Ngữ văn, Hệ thống giáo dục HOCMAI - chia sẻ khi đọc đề, thí sinh cần nhanh chóng xác định được vấn đề cần nghị luận.

Cô Tuyết lưu ý yêu cầu đề bài là viết đoạn văn, vì vậy, thí sinh cần nhớ chỉ được phép luận về một khía cạnh, bình diện theo yêu cầu. Các em tuyệt đối không biến đoạn văn thành bài văn thu nhỏ.

Câu nghị luận văn học chiếm đến 50% số điểm của bài thi. Đây cũng là câu duy nhất sử dụng ngữ liệu là văn bản trong chương trình học. Vì vậy, học sinh cần ôn kỹ nhất câu này.

Tuy nhiên, nếu không phải là người có phong cách học tập phù hợp với việc “nuốt từng lời của thầy cô”, các em cũng có thể xây dựng một chiến lược ôn tập khác. Đó là học theo đặc trưng thể loại của văn bản.

Các văn bản trọng tâm trong chương trình Ngữ văn 12 được tập hợp thành các nhóm: Thơ trữ tình (thơ ca kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ), ký hiện đại, truyện ngắn sau cách mạng và kịch hiện đại.

Mỗi thể loại sẽ gắn với những đặc trưng riêng như nghệ thuật miêu tả, cách bày tỏ tình cảm, giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, xây dựng tình huống truyện, xây dựng xung đột kịch…

Thêm vào đó, xu hướng ra đề những năm gần đây là đề bài cho kèm theo đoạn trích ngữ liệu. Nhờ vậy, thí sinh có cơ sở tự mình khai thác, bóc tách ngôn từ của tác phẩm để đưa ra các phân tích, nhận định về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào những điều đã được hướng dẫn phân tích trước đó.

Ngoài ra, để nâng cao khả năng diễn đạt nghệ thuật cũng như "nâng tầm" bài viết của mình, học sinh có thể sưu tầm, tập hợp các trích dẫn là nhận định của chính tác giả và các nhà phê bình văn học về mỗi tác phẩm.

Việc đưa các nhận định này vào bài viết một cách hợp lý vừa giúp giám khảo thấy được khả năng tổng quát, liên hệ, so sánh của thí sinh, đồng thời giúp thí sinh có những dẫn dắt cảm hứng tốt hơn khi làm bài.

Chuẩn bị sức khỏe, tâm lý

Bên cạnh việc chuẩn bị kiến thức và kỹ năng làm bài, cô Hường lưu ý học sinh đừng quên chuẩn bị cho mình sức khỏe và tâm thế tự tin, bình tĩnh, vững vàng cho bài thi Ngữ văn.

"Điều này lại càng đặc biệt với một môn học vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật như Ngữ văn. Biết đâu, một ca khúc với phần lời chứa đựng những chiêm nghiệm về cuộc sống, hoặc giai điệu yêu thích mà các em nghe vào ngày trước kỳ thi lại tạo cảm hứng cho những trang viết của mình", cô Hường chia sẻ.

Cùng quan điểm, cô Trịnh Thu Tuyết lưu ý thí sinh cần phân bổ thời gian hợp lý cho việc học và nghỉ ngơi. Các em cần tránh thức khuya, mệt mỏi hoặc áp lực. Đêm trước ngày thi, các em nên ngủ sớm và bình tĩnh, tự tin bước vào phòng thi.

(Nguồn: lifestyle.zingnews.vn)

Ngày đăng: 26-06-2023