Lớp ôn thi tốt nghiệp của thầy hiệu trưởng

Hiệu trưởng trường THPT Gia Hội mở lớp "Đội thầy Sơn" để kèm những học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp.

6h hàng ngày, Nguyễn Thanh Toàn, lớp 12B3, trường THPT Gia Hội, TP Huế, cùng các bạn trong lớp "Đội thầy Sơn" lại nhận được tin nhắn của thầy hiệu trưởng: "Các trò dậy chưa?", "dậy hè, đi học đừng trễ hè", "các trò cố gắng, chỉ còn chút thời gian nữa thôi".

"Em đã quen mỗi sáng nhận tin nhắn động viên của thầy nên hôm nào thầy bận, chưa kịp gửi sẽ thấy thiếu", Toàn nói, nhắc đến lớp học do thầy hiệu trưởng Lê Triều Sơn sáng lập.

Lớp học bắt đầu từ tháng 3 và mới kết thúc cách đây vài ngày để các em nghỉ ngơi, chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT từ 27 đến 29/6.

Lớp đội thầy Sơn có thời điểm lên tới 55 học sinh vào tháng 4, 5. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Lớp "Đội thầy Sơn" có thời điểm lên tới 55 học sinh vào tháng 4, 5. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Hồi đầu năm, sau khi có kết quả học tập kỳ 1, thầy Sơn nhờ các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tổng hợp những em có nguy cơ rớt tốt nghiệp. Cầm danh sách khoảng 40 học sinh, thầy không khỏi lo lắng. Muốn nâng cao tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường và hỗ trợ cho học sinh, thầy Sơn quyết định mời các giáo viên có chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy trong trường phụ đạo cho các em này. Lớp học "Đội thầy Sơn" ra đời từ đó.

Thầy hiệu trưởng cho biết ban đầu học sinh nói bận đi làm thêm, học thêm ở ngoài hay ngại với bạn bè để từ chối đến lớp. Việc thuyết phục vì thế cần phải khéo léo để các em không có cảm giác tự ti vì học lực hay hoàn cảnh của mình.

"Tôi gặp từng em, thủ thỉ tâm tình và động viên về với đội của thầy để được trang bị kiến thức, kỹ năng vượt qua được kỳ thi quan trọng. Muốn ra đời sớm làm việc, kiếm tiền nuôi bản thân và phụ giúp bố mẹ, các em cần có bằng tốt nghiệp", thầy Sơn nhớ lại.

Sau đó, thầy Sơn mời phụ huynh đến họp để nghe nguyện vọng và bàn phương án tổ chức lớp học. Lớp "Đội thầy Sơn" học sáu môn thi tốt nghiệp vào các buổi chiều, từ thứ 2 đến thứ 6 nhưng chỉ thu học phí "tượng trưng" khoảng 20.000 đồng mỗi buổi. Học sinh có hoàn cảnh khó khăn được miễn phí, thậm chí được thầy hiệu trưởng tìm các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ thêm.

Các giáo viên tham gia dạy lớp đội thầy Sơn phải soạn giáo án riêng và kiên nhẫn hướng dẫn trực tiếp từng em. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Các giáo viên tham gia dạy lớp 'Đội thầy Sơn' phải soạn giáo án riêng và kiên nhẫn hướng dẫn trực tiếp từng em. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Cô Lưu Thị Phước, giáo viên môn Địa, nói giáo viên trong trường đều đồng thuận và xung phong dạy lớp này. Lớp được bố trí ở phòng rộng, có máy chiếu, quạt và micro nên học sinh không khó để nghe được bài giảng.

Theo cô Phước, khó khăn nhất khi dạy lớp này là có nhiều học sinh học chậm. Để các em nắm chắc kiến thức và làm được bài thi, các thầy cô phải kiên nhẫn, giảng đi giảng lại và hướng dẫn trực tiếp từng em. Với môn Địa, sau khi dạy kiến thức, cô Phước dựa vào đề minh họa, cho các em vận dụng làm nhiều bài tập để nhớ dạng bài. Cô cũng dạy kỹ năng dùng Atlas, nhận diện biểu đồ và nhận xét bảng số liệu vì hoàn thành được những câu hỏi phần này, các em đã có 4,75 điểm.

Cô Phước cố gắng giúp học sinh làm được 30 câu đầu trong đề thi để có trên 5 điểm. Những em có mục tiêu cao hơn sẽ được cô hướng dẫn ôn tập thêm 10 câu vận dụng cao.

Thầy Đoàn Ngọc Hùng, giáo viên Toán, còn soạn riêng giáo án cho lớp "Đội thầy Sơn". Khác với lớp học ôn bình thường, ở lớp này, mỗi bài toán thầy đều phải dạy từng bước một, có hệ thống bài tập kiến thức rõ ràng hơn. Học sinh được làm đi làm lại các dạng bài quen thuộc để có thể hoàn thành được 35 câu đầu tiên trên tổng số 50 câu của đề thi.

"Nếu làm được từ câu 1 đến câu 35, học sinh đã có thể được 7 điểm", thầy Hùng cho biết.

Lớp ban đầu khoảng 40 em nhưng sau đó lên tới 50-55 em. Nhiều học sinh không có trong danh sách cần học bổ sung nhưng cũng tự nguyện xin vào để củng cố kiến thức.

"Em bất ngờ vì thấy dễ hiểu, dễ học nên theo đều. Đi học cũng quen nên em không cảm thấy mệt. Học xong ở trường, em tự ôn đến 22h30", Toàn nói.

Ngô Đoàn, bạn cùng lớp 12B3 với Toàn từng lo lắng khi kết quả thi thử lần một ở trường không mấy khả quan với Toán 4,7 điểm, Sử 7, các môn còn lại chỉ 2,5-3 điểm. Được thầy Sơn động viên, Đoàn chịu khó đến lớp đều đặn.

Sau thời gian học, các em phấn khởi khi nhận thấy sự thay đổi. Toàn vươn lên đạt điểm tổng kết 7,1 ở kỳ 2 sau khi chỉ được 5,1 ở kỳ 1. Những môn em cải thiện được điểm số nhất là Văn, Sử, Địa. Còn Đoàn vui khi điểm thi thử lần hai đã cao hơn nhiều.

Thầy Sơn (thứ tư từ phải sang) cùng các học trò tại trường THPT Gia Hội, Huế. Ảnh: Nguyễn Thanh Toàn

Thầy Sơn (thứ tư từ phải sang) cùng các học trò tại trường THPT Gia Hội, Huế. Ảnh: Nguyễn Thanh Toàn

Theo các giáo viên trong lần thi thử gần nhất vào cuối tháng 5, nhiều em đạt kết quả tốt. Môn Địa có em được trên 8 điểm, còn môn Toán nhiều em đạt mức khá. Học sinh đều có sự tiến bộ ở các mức độ khác nhau, có ý thức và trách nhiệm hơn với việc học.

Các học sinh nhận xét thầy cô tâm lý, nhiệt tình, đặc biệt là thầy hiệu trưởng. Thầy thuộc tên tất cả học sinh và nắm được hoàn cảnh của từng em. Nhiều chuyện không nói được với bạn bè, các em tìm đến thầy để tâm sự. Giờ ra chơi hay hết buổi học, thầy cũng ghé lớp để động viên học sinh.

"Thầy hài hước, gần gũi như người cha và hay mua đồ ăn cho chúng em. Em biết ơn thầy và nỗ lực để không phụ công của thầy cô", Toàn nói.

(Nguồn: vnexpress.net)

Ngày đăng: 26-06-2023