KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2023: Đề thi có tính phân hóa phù hợp

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, cho hay đề thi tốt nghiệp THPT bảo đảm các mức nhận biết, thông hiểu, tuy nhiên có tính phân hóa phù hợp

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được thực hiện với tinh thần chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện.

Hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng

* Phóng viên: Ngày mai, 28-6, hơn một triệu thí sinh cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thứ trưởng đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị cho kỳ thi của các địa phương?

- Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Tôi phải nhấn mạnh rằng khâu quan trọng, quyết định thành công của kỳ thi chính là khâu chuẩn bị. Chuẩn bị càng kỹ lưỡng bao nhiêu càng tốt cho quá trình tổ chức kỳ thi bấy nhiêu. Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua đã được phân cấp về UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương. Do đó, sự chuẩn bị từ địa phương bao gồm các điều kiện cơ sở vật chất, lựa chọn con người, tập huấn đội ngũ làm thi, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống bất thường, hỗ trợ thí sinh dự thi... nếu được làm tốt sẽ là cơ sở cho thành công của kỳ thi.

Có thể nói, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được thực hiện với tinh thần chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện, hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, đúng quy chế.

* Năm nay, nhiều trường ĐH vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Vậy đề thi sẽ như thế nào, thưa ông?

- Như chúng ta đều biết, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh. Mặt khác, kết quả này cũng là cơ sở để nhiều trường ĐH sử dụng trong xét tuyển ĐH, cao đẳng. Theo thống kê, có khoảng trên 60% trường ĐH sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT xét tuyển.

Với tính chất như vậy, định hướng đề thi tốt nghiệp THPT sẽ bảo đảm các mức nhận biết, thông hiểu. Học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đồng thời, nội dung đề thi sẽ chú ý mức độ vận dụng, vận dụng cao, có tính phân hóa phù hợp là căn cứ để các cơ sở đào tạo ĐH sử dụng như một trong các phương thức xét tuyển.

Đầu tháng 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 làm cơ sở để các nhà trường, giáo viên, học sinh ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi chính thức. Bộ GD-ĐT cũng đã triển khai các công việc về đề thi bảo đảm theo đúng yêu cầu trong Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ là đề thi tuyệt đối an toàn, chính xác, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi và tuyển sinh.

KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2023: Đề thi có tính phân hóa phù hợp - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng (bìa phải) kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh: MINH THU

Thí sinh cần thực hiện đúng quy chế thi

* Gian lận thi cử ngày càng tinh vi với sự xuất hiện của các thiết bị công nghệ cao. Bộ GD-ĐT có lưu ý gì với các địa phương về những biện pháp ngăn chặn?

- Gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao là vấn đề đã được Bộ GD-ĐT và Bộ Công an cảnh báo từ nhiều năm qua. Cạnh đó là những giải pháp được đưa ra để vừa cảnh báo vừa ngăn chặn giảm thiểu cao nhất gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao. Một trong những giải pháp quan trọng là tuyên truyền nâng cao nhận thức không chỉ thí sinh, phụ huynh, giáo viên mà còn cho toàn xã hội về việc phòng, chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao. Việc mua bán, sử dụng những thiết bị này không chỉ vi phạm quy chế thi mà còn vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành.

Đại diện các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố đều cung cấp thông tin, tập huấn kỹ lưỡng cho đội ngũ cán bộ coi thi để lực lượng này chủ động phát hiện, nhận diện thí sinh mang và sử dụng thiết bị công nghệ cao với mục đích gian lận.

Để phòng, chống gian lận thi cử nói chung và gian lận bằng thiết bị công nghệ cao nói riêng, vai trò của cán bộ coi thi là rất quan trọng. Khi công tác tập huấn được thực hiện nghiêm túc và những người làm công tác coi thi tiếp nhận đầy đủ các thông tin từ tập huấn, nắm chắc các cảnh báo, nhận diện và thực hiện nhiệm vụ được giao với trách nhiệm cao nhất, việc phát hiện và ngăn chặn thiết bị công nghệ cao nhằm gian lận thi cử là có thể thực hiện được. Một kỳ thi nghiêm túc, không gian lận cũng chính là để bảo đảm công bằng cho mọi thí sinh.

* Ngay trước ngày thí sinh bước vào kỳ thi quan trọng, Thứ trưởng có lưu ý, nhắn nhủ gì tới thí sinh, phụ huynh và cán bộ coi thi?

- Năm 2023 là năm thứ tư kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức và là năm đầu tiên mối lo dịch bệnh không còn hiện hữu phức tạp như những kỳ thi trước. Mặc dù vậy, những học sinh dự thi năm nay vẫn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngành giáo dục thời gian qua đã tích cực hỗ trợ, củng cố kiến thức cho học sinh, bản thân các em cũng rất nỗ lực trong quá trình học tập. Tôi mong rằng các em sẽ mang tinh thần nỗ lực hết sức này để bước vào kỳ thi và đạt kết quả tốt nhất.

Với các phụ huynh, ngoài dành sự chăm sóc, động viên tinh thần cho thí sinh bình tĩnh, tự tin, cần dành sự quan tâm nhắc nhở các em thực hiện đúng quy chế thi - có như vậy mới tránh được những thiệt thòi về kết quả thi cho chính các em.

Với đội ngũ cán bộ coi thi nói riêng và tất cả cán bộ làm thi nói chung, tôi muốn nhắc lại tinh thần chỉ đạo "4 đúng - 3 không" mà Bộ GD-ĐT đã quán triệt. "4 đúng" là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. "3 không": không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức. 

(Nguồn: nld.com.vn)

Ngày đăng: 27-06-2023