Thấy gì qua kỳ thi vào THPT?

Nhiều địa phương trên cả nước đã công bố điểm thi, điểm chuẩn vào lớp 10 Trung học phổ thông. Nhiều người ngỡ ngàng khi có những nơi, thí sinh chỉ cần đạt trung bình 1,6 điểm/môn đã trúng tuyển. Sau đây, thầy cô sẽ dạy tiếp thế nào với những học sinh này? Công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau Trung học cơ sở một lần nữa lại được đặt ra.

Thí sinh Hà Nội thi vào THPT năm học 2023 - 2024. Ảnh: Quang Vinh.

1,6 điểm/môn đỗ trường THPT công lập

Trừ một số địa phương thực hiện xét tuyển vào lớp 10 bằng kết quả học bạ như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hà Giang… đến nay, hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đã hoàn thành việc tổ chức kỳ thi vào lớp 10 năm 2023.

Phú Yên là tỉnh đầu tiên trên cả nước công bố điểm thi vào lớp 10. Trường THPT Phan Bội Châu có mức điểm chuẩn thấp nhất trên địa bàn tỉnh là 9,25 (trung bình 1,85 điểm/môn) cho 3 môn Toán và Ngữ văn nhân hệ số 2, tiếng Anh hệ số 1. Nhiều trường khác cũng có điểm chuẩn thấp, thí sinh chỉ cần đạt gần 3 điểm/môn và không có điểm liệt là đỗ cấp 3 công lập như THPT Trần Quốc Tuấn 2,25 điểm/môn; THPT Nguyễn Văn Linh 2,3 điểm/môn; THPT Nguyễn Thị Minh Khai 2,45 điểm/môn; THPT Lê Thành Phương 2,5 điểm/môn; THPT Phan Đình Phùng 2,65 điểm/môn.

Tại Cần Thơ, nhiều trường cũng lấy điểm chuẩn ở mức trung bình dưới 3 điểm/môn như THPT Giai Xuân 2 điểm/môn; THCS &THPT Thạnh Thắng 2,04 điểm/môn; THCS & THPT Thới Thạnh 2,05 điểm/môn.

Tại Khánh Hòa, các trường lấy điểm chuẩn khá thấp như Trường THPT Tôn Đức Thắng trung bình thí sinh cần đạt 1,6 điểm/môn đã trúng tuyển; Trường THPT Tô Văn Ơn (2,4 điểm/môn); Trường THPT Nguyễn Huệ (2,55 điểm/môn)...

Ngay tại Hà Nội, dù điểm chuẩn vào lớp 10 công lập năm 2023 tăng ở nhiều trường song một số trường vẫn lấy điểm trúng tuyển thấp. Các trường như: THPT Bất Bạt, THPT Minh Quang, THPT Bắc Lương Sơn, THPT Lưu Hoàng… thông báo điểm chuẩn là 17 điểm.

Dù rằng, điểm chuẩn vào từng trường chưa phản ánh tất cả chất lượng tuyển sinh đầu vào của một trường, bởi những học sinh ở tốp đầu có thể vẫn có điểm trúng tuyển cao hơn rất nhiều song vấn đề đặt ra là ở cấp THPT, yêu cầu về kiến thức đối với học sinh sẽ cao hơn so với bậc THCS. Những học sinh chỉ 2-3 điểm/môn, thầy cô sẽ dạy thế nào?

Trăn trở từ phía nhà trường, giáo viên

Trong nhiều lần trao đổi với các giáo viên ở các trường tuyển sinh đầu vào thấp, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều băn khoăn. Cô Nguyễn Thị Thu Thủy - Hiệu phó Trường THPT Đại Cường (Hà Nội) cho biết: Nhiều năm qua, điểm chuẩn trúng tuyển vào trường thấp do chỉ tiêu tuyển sinh dư dả so với số nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Nếu như ở các quận nội thành, học sinh nhiều, trường công lập ít, trung bình 8 điểm/môn vẫn có thể trượt trường công lập thì ở các vùng quê, học sinh lại không quá khó khăn để giành được một suất học trường công. Một lý do nữa là ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, các gia đình kinh tế còn nhiều khó khăn, ít có điều kiện đầu tư cho việc học của con cái. Ngoài học trên lớp, học sinh ít đi học thêm, càng ít tiếp cận với các khóa học online… mà còn dành thời gian lao động, làm việc đồng áng… thậm chí có những em tranh thủ thời gian nghỉ hè đi làm thuê kiếm tiền phụ gia đình, nên kết quả học tập thấp.

“Khi tuyển sinh đầu vào thấp, chúng tôi phải làm công tác tư vấn, định hướng rất kỹ với cả phụ huynh và học sinh, nhất là hiện nay học sinh tự chọn môn học ngay từ lớp 10. Thực tế cho thấy có những học sinh muốn đăng ký học môn này nhưng căn cứ vào điểm thi, vào học bạ các năm học THCS, nhà trường và giáo viên phải phân tích về điểm mạnh, điểm yếu để các em cân nhắc, tránh việc chọn đại rồi sau một thời gian học thấy không phù hợp, không theo được, muốn thay đổi sẽ rất khó khăn, mất thời gian” - cô Thủy cho hay.

Với việc tuyển sinh đầu vào thấp sẽ rất khó khăn trong giảng dạy do kiến thức càng lên cao càng khó hơn. Các em đã không vững từ gốc nay lại phải tiếp nhận kiến thức mới khó hơn sẽ càng chật vật. Một giáo viên dạy Ngữ văn ở một trường THPT ở tỉnh Lai Châu cho biết, có những học sinh dù học đến cấp 3 nhưng khi được gọi đọc một đoạn văn trong sách giáo khoa cũng không suôn sẻ.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, hiện nay điều kiện dự thi tuyển vào lớp 10 công lập là học sinh phải tốt nghiệp THCS, nghĩa là các em học sinh lớp 9 phải xếp loại học lực từ mức trung bình trở lên mới được xét công nhận tốt nghiệp THCS. Vậy với điểm số chỉ 2-3 điểm/môn đã đỗ trường THPT công lập, phải chăng việc đánh giá xếp loại ở một số trường chưa thật chặt chẽ, chính xác?

“Vẫn biết xếp loại học lực là một quá trình, không chỉ căn cứ vào điểm một bài thi nhưng rõ ràng khi kết quả thể hiện trong một kỳ thi chung, đề thi chung cho thấy đang có những chênh lệch trong việc đánh giá học sinh tại nhà trường hiện nay. Những học bạ đẹp như mơ khác hẳn với những bài thi có điểm số gây ngỡ ngàng cho không chỉ xã hội mà với chính bố mẹ học sinh vốn vẫn tin vào những điểm số khá giỏi trên lớp” - ông Lâm nêu thực tế về điểm tổng kết học bạ cao, điểm thi thấp.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội.

Cấp thiết phân luồng

Ông Vũ Lâm Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM thẳng thắn, trong một kỳ thi có học sinh thi đạt điểm cao và học sinh thi đạt điểm thấp là bình thường do đề thi có tính phân hóa. Vấn đề là cần đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp sớm cho học sinh và gia đình để các em nhận ra được thế mạnh cũng như sự phù hợp của bản thân khi lựa chọn hướng đi sau tốt nghiệp THCS. Không phải tất cả mọi học sinh đều phù hợp với việc học tiếp THPT mà có thể tìm hiểu và cân nhắc các hướng đi khác như trường ngoài công lập, hệ giáo dục thường xuyên, chương trình 9+, trung cấp...

Chia sẻ quan điểm này, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT cho rằng việc đánh giá học sinh bằng điểm số hiện nay ở các trường không trung thực. Điều đó dẫn tới những ảo tưởng về năng lực thực của học sinh, khiến gia đình không có sự chuẩn bị, định hướng kịp thời. Mặt khác, ở các thành phố lớn, mật độ dân số, nhà chung cư ngày càng nhiều nhưng diện tích đất cho trường học không được quan tâm đúng mức dẫn tới thiếu trầm trọng.

Theo ông Vinh, Nhà nước nên mở thêm trường công, có chính sách, cơ chế thuận lợi huy động nguồn lực để phát triển trường tư, giảm áp lực cạnh tranh vào trường công như hiện nay để tạo điều kiện tối đa cho những học sinh muốn có học vấn ở trình độ THPT.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp thực chất và chuyên nghiệp hơn trong nhà trường, nên có những trung tâm với các chuyên gia tư vấn có khả năng đo lường được năng lực người học, khả năng dự báo những biến động, nhu cầu kỹ năng của thị trường lao động để đưa ra khuyến cáo và tư vấn. Không thể đổ tất cả nhiệm vụ hướng nghiệp cho giáo viên.

“Cần có những thay đổi chính sách ở tầm vĩ mô là tất cả người học sau 12 năm đều nhận tấm bằng tốt nghiệp trung học. Không nên phân biệt trung học nghề (hệ 9+3) và THPT như hiện nay. Câu chuyện về bằng cấp tự nhiên sẽ nhẹ nhàng hơn bởi cứ nhắc tới trung học nghề, người ta dễ liên tưởng tới lao động chân tay, lao động thấp kém và vất vả. Chính điều đó đã “giết chết” sự phân luồng hướng nghiệp” - ông Vinh nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Thăng Long (Hà Nội):

Đa dạng hướng nghiệp trong trường phổ thông

Lớp 9 là khoảng thời gian học sinh đối mặt với nhiều thử thách, đứng trước ngưỡng cửa quan trọng nhất của cuộc đời, không biết lựa chọn môi trường mới nào phù hợp với bản thân. Trường Thăng Long đã tổ chức chương trình tư vấn, hướng nghiệp do các cựu học sinh của trường đang học trường THPT chuyên, các trường THPT công lập khác nhau, trường THPT ngoài công lập, trường nghề… nhằm giúp học sinh có nhiều kênh thông tin thiết thực để chọn lựa. Với chương trình thường niên “Bí kíp luyện rồng”, cựu học sinh đang học tại các trường THPT trên địa bàn Hà Nội đã đến từng lớp và chia sẻ những hiểu biết, trải nghiệm thực tế về hướng đi sau tốt nghiệp THCS cho các học sinh khóa sau.

TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội:

Không phải cứ học sinh học yếu mới đi học nghề

Việc phân luồng học sinh sau THCS hiện nay có nơi còn nặng về chỉ tiêu, kế hoạch dẫn tới nhiều biến tướng, sai lệch, trong đó có hiện tượng giáo viên “ép” học sinh có học lực trung bình, yếu không thi lên lớp 10 THPT công lập mà đi học nghề để đạt chỉ tiêu.

Cách định hướng tương lai cho học sinh hiện nay chủ yếu là học xong lớp 9 THCS thì phải thi được vào một trường THPT công lập tốt; Rồi sau khi học xong lớp 12 thì phải trúng tuyển được một trường đại học top đầu, danh tiếng. Cách định hướng này có thể đúng ở góc độ cầu thị, hiếu học. Nhưng sự thành công không nằm ở bậc học mà nằm ở năng lực của mỗi người. Do vậy, việc tư vấn, hướng nghiệp cần phải thực tế hơn, cụ thể hơn, trải nghiệm nhiều hơn như tăng cường trải nghiệm nghề nghiệp, thăm quan trường học, thậm chí là học thử… Từ đó sẽ giúp các em nhận ra được năng lực, sở trường, đam mê và tìm ra cho mình con đường đi. Nhà trường, gia đình và xã hội cùng đồng hành để giúp các em chọn con đường đi phù hợp nhất.

(Nguồn: daidoanket.vn)

Ngày đăng: 03-07-2023