Nhiều ngành yêu cầu đạt 900 điểm đánh giá năng lực mới trúng tuyển

Năm 2023, điểm chuẩn đánh giá năng lực của nhiều ngành tăng mạnh, một số ngành yêu cầu thí sinh đạt 900-1.000 điểm mới trúng tuyển.

Nhiều trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM có một hoặc một số ngành lấy điểm chuẩn đánh giá năng lực trên 900. Ảnh: Phương Lâm.

Khoảng 20 trường đại học trên cả nước đã công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc Đại học Quốc gia TP.HCM.

Tại một số trường, nhiều ngành yêu cầu thí sinh phải đạt 900/1.000 điểm theo kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM mới trúng tuyển. So với năm 2022, điểm chuẩn theo phương thức này có dấu hiệu tăng mạnh.

Tại Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), trong mùa tuyển sinh năm 2022, chỉ 3 ngành lấy điểm chuẩn trên 900 là Khoa học dữ liệu (912), nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin (935), Khoa học máy tính (1.001).

Nhưng đến năm nay, trường có đến 5 ngành lấy điểm chuẩn trên 900. So với năm 2022, một số ngành tăng 5-45 điểm.

Cụ thể, ngành Khoa học dữ liệu lấy 950 điểm (tăng 38 điểm), nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin lấy 940 điểm (tăng 5 điểm), Khoa học máy tính lấy 1.035 điểm (tăng 34 điểm). Ngành Công nghệ thông tin năm 2022 chỉ lấy 880 điểm, năm nay lên đến 925, tăng 45 điểm. Trí tuệ nhân tạo là ngành mới tuyển sinh nhưng điểm chuẩn cao thứ hai, 1.001 điểm.

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) có một ngành duy nhất lấy điểm chuẩn trên 900 là Truyền thông đa phương tiện (910 điểm). Trước đó, vào năm 2022, ngành này chỉ lấy 900 điểm.

970 là ngưỡng trúng tuyển ngành Trí tuệ nhân tạo bằng điểm thi đánh giá năng lực tại Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM). Ngoài Trí tuệ nhân tạo, một số ngành khác cũng lấy điểm chuẩn trên 900 như Kỹ thuật phần mềm (925), Công nghệ thông tin (920), Khoa học máy tính (915), Khoa học dữ liệu (915).

Tương tự, khi so sánh với năm 2022, điểm chuẩn các ngành tuyển sinh bằng điểm thi đánh giá năng lực tại trường này cũng có sự biến động đáng kể. Năm ngoái, ngành duy nhất lấy điểm chuẩn trên 900 là Trí tuệ nhân tạo, 940 điểm, ít hơn năm nay 30 điểm.

Ngành Kỹ thuật phần mềm năm 2022 chỉ lấy 895 điểm, tức là đã tăng 30 điểm trong đợt tuyển sinh năm nay. Các ngành khác cũng có mức tăng tương tự, cụ thể là: Công nghệ thông tin (tăng 28 điểm), Khoa học máy tính (tăng 27 điểm), Khoa học dữ liệu (tăng 35 điểm).

Trong khi các trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM tăng điểm chuẩn đánh giá năng lực, Khoa Y (Đại học Quốc gia TP.HCM) lại giảm điểm ở một số ngành. Dù vậy, cơ sở này vẫn có hai ngành lấy điểm chuẩn trên 900 là Y khoa và Răng - Hàm - Mặt, lần lượt là 934 điểm và 902 điểm.

So với năm 2022, điểm chuẩn phương thức này trong năm nay đã giảm, ngành Y khoa giảm 16 điểm và ngành Răng - Hàm - Mặt giảm 6 điểm.

Dưới đây là danh sách các trường đã công bố điểm chuẩn đánh giá năng lực, thí sinh có thể tra cứu thông tin điểm chuẩn các ngành theo đường link gắn theo tên từng trường.

STT Trường STT Trường
1 Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông 2 Đại học Ngoại thương
3 Đại học Sư phạm Hà Nội 4 Học viện Hàng không Việt Nam
5 Đại học Nam Cần Thơ 6 Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM
7 Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM 8 Đại học Công nghệ Sài Gòn
9 Đại học Nha Trang 10 Đại học Công nghệ Miền Đông
11 Đại học Hùng Vương TP.HCM 12 Đại học Kiên Giang
13 Đại học Nguyễn Tất Thành 14 Khoa Y (Đại học Quốc gia TP.HCM)
15 Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) 16 Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM)
17 Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) 18 Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM)
19 Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM 20

Đại học Tiền Giang

 

(Nguồn: lifestyle.zingnews.vn)

Ngày đăng: 03-07-2023