Lo ngại tình trạng độc quyền SGK nếu Bộ GD&ĐT đứng ra biên soạn

Theo các chuyên gia trong ngành giáo dục, nếu Bộ GD&ĐT đứng ra biên soạn một bộ sách giáo khoa thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng.

Tạo cạnh tranh thiếu công bằng

Ngày 14/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT). Trong đó, việc biên soạn, thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa mới... là nội dung nhận được sự quan tâm.

Trước đó, cuối tháng 7, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Đoàn giám sát có yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ SGK. Đề nghị này cũng đã gây ra những ý kiến trái chiều trong cuộc họp và trong dư luận.

Xoay quanh việc có cần thiết để Bộ GD&ĐT biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa hay không? Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS. Vũ Nho - nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng không nên làm một việc vừa tốn kém, phiền phức, vừa bất khả thi.

Ông Nho cho hay, theo lời văn và tinh thần của Nghị quyết 88/2014 về đổi mới chương trình, SGK GDPT thì yêu cầu Bộ GDĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK là để đề phòng trường hợp các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK theo chủ trương xã hội hoá không biên soạn đủ đầu sách cho các môn học theo quy định của chương trình GDPT.

Giáo dục - Lo ngại tình trạng độc quyền SGK nếu Bộ GD&ĐT đứng ra biên soạn

Đến thời điểm hiện tại đã có 3 đơn vị biên soạn đầy đủ các môn học từ lớp 1 cho đến lớp 12.

“Nhưng điều đó đã không xảy ra, mặt khác, những người am hiểu công việc viết sách đều đã tập hợp trong các  nhóm biên soạn khác rồi. Bộ GD&ĐT không thể tìm đủ nhân lực để biên soạn thêm một bộ sách khác. Hơn thế nữa, chúng ta chủ trương xã hội hóa, nếu lại có một bộ sách của Bộ thì sẽ tạo ra một sự cạnh tranh “thiếu công bằng”. Bởi thế, tháng 5/2019 Bộ GD&ĐT đã trả lại 16 triệu USD dự kiến vay để làm sách  cho Ngân hàng thế giới”, ông Nho cho biết.

Cũng theo ông Nho, việc triển khai biên soạn sách giáo khoa theo tinh thần xã hội hóa, không sử dụng ngân sách của Nhà nước đã được thực hiện khá suôn sẻ. Đến thời điểm hiện tại đã có 3 đơn vị biên soạn đầy đủ các môn học từ lớp 1 cho đến lớp 12.

Do đó, ông cho rằng, yêu cầu Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK vào lúc này  là đi ngược lại Nghị quyết 122 của Quốc hội khoá XIV ban hành.

Đồng thời, không phù hợp với thực tế và dễ dẫn đến hậu quả to lớn là xoá bỏ xã hội hoá, tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng, quay trở lại tình trạng độc quyền trong lĩnh vực SGK.

Vì sao không nên soạn bộ SGK mới?

Ông Nho cũng đưa ra các lý do làm một bộ sách mới không phù hợp, tạo ra sự “hỗn loạn” trên thi trường sách giáo khoa như: Nghị quyết 122 của chính Quốc hội (ra sau Nghị quyết 88) đã yêu cầu không biên soạn bộ sách sử dụng ngân sách Nhà nước.

Thêm vào đó, việc biên soạn SGK theo hướng xã hội hóa đã được triển khai thành công theo Nghị quyết 122, không tốn kém ngân sách Nhà nước, lại phát huy được trí tuệ và các nguồn lực của xã hội.

Cùng với đó, các bộ sách đã có đầy đủ, để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đúng tiến độ.

Các nhà trường đã triển khai dạy theo sách giáo khoa mới trong nhiều năm, liệu bộ sách mới của Bộ có liên thông, kết nối với những gì được dạy, được học  của các bộ sách hiện hành hay không? Nếu có vênh lệch thì giải quyết ra sao? Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc vênh lệch và thiếu  đồng bộ đó?

Trước  đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo vì không thể tìm được đội ngũ tác giả sách giáo khoa đảm bảo chất lượng, nên đã không tiến hành biên soạn. Bây giờ đội ngũ này lấy ở đâu, trong khi những người có kinh nghiệm đều tham gia vào 3 bộ sách hiện hành? Đây là bài toán không có lời giải hay nói chính xác là không giải được.

Tiếp nữa, không thể làm việc đơn giản là lấy cuốn này lớp này của một bộ sách, rồi lấy cuốn khác lớp khác của các bộ sách khác ghép lại thành bộ sách của Bộ. Vì rằng tiêu chí để lựa chọn không đơn giản. Vì cấu trúc mỗi cuốn sách rất chặt chẽ. Đây là một bài toán nan giải, có thể coi là bất khả giải. Chưa kể sẽ tạo ra sự mâu thuẫn giữa tập thể tác giả các bộ sách.

Theo ông Nho, dù có “phép thần thông” cũng không thể tạo ra một bộ sách mới trong vòng hai ba năm, khi năm học mới 2023 -2024 đã sắp sửa bắt đầu. Các nhà trường có dừng lại để đợi bộ sách mới được không? Câu trả lời dứt khoát là không.

Cuối cùng như lời Bộ Trưởng Nguyễn Kim Sơn nói: "Nếu quay lại chỉ một bộ sách giáo khoa, xã hội sẽ thiệt hại hàng chục nghìn tỷ cho hệ thống sách giáo khoa đã được xuất bản trong những năm tháng vừa qua".

“Với những lý do trên, chúng tôi kiến nghị không nên soạn một bộ sách mới”, ông Vũ Nho nói.

Giáo dục - Lo ngại tình trạng độc quyền SGK nếu Bộ GD&ĐT đứng ra biên soạn (Hình 2).

Nhiều lý do không nên biên soạn bộ SGK mới.

Cùng nêu ý kiến, PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh - Nguyên Phó chánh thanh tra đại học Tự nhiên cho biết chúng ta đã  “chậm chân” hơn 3 thập kỷ trong đổi mới mô hình biên soạn SGK. Nhiều quốc gia phương Tây đã thực hiện mô hình một chương trình nhiều bộ SGK từ lâu, trong khi một số quốc gia châu Á như:  Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… chuyển sang hệ thống chuyển đổi, hệ thống hỗn hợp với 3 đặc điểm:

Một chương trình nhiều bộ SGK; sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân và các NXB Thương mại; quyền lựa chọn sử dụng SGK thuộc về phụ huynh, nhà trường, địa phương. Do đó, sự chuyển đổi có tính toàn cầu kể trên là một quy luât khách quan.

“Chúng ta đang tiến hành cải cách SGK điều mà nhiều quốc gia châu Á khác đã làm,đã thành công. Công tác đổi mới SGK chúng ta đang làm hôm nay là hoạt động khoa học giáo dục hợp quy luật của nhân loại đã được chứng minh sự đúng đắn ở nhiều quốc gia khác”, ông Hạnh nói.

Theo ông Hạnh, nếu Bộ GD&ĐT đứng ra biên soạn một bộ SGK thì “hình thức độc quyền về SGK như trước đây sớm muộn sẽ quay trở lại”. Bởi, ông Hạnh băn khoăn đặt câu hỏi, Bộ như “cha mẹ”, nếu “cha mẹ” biên soạn, muốn phát hành bộ SGK của mình thì các trường có dám khước từ không?

Giáo dục - Lo ngại tình trạng độc quyền SGK nếu Bộ GD&ĐT đứng ra biên soạn (Hình 3).

Theo bà Kim Thúy, việc “ban hành” một bộ SGK của “Bộ GD&ĐT” lúc này không chỉ lãng phí tiền của mà còn dẫn đến đẩy lùi xã hội hóa.

Trong khi đó khi hỏi về việc có nên tiếp tục xã hội hóa việc biên soạn SGK hay không? hay giao cho Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK “chuẩn”, bà Nguyễn Thị Kim Thúy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, theo Nghị quyết 88 không có bộ SGK nào được coi là “bộ sách chuẩn”, mặc dù tất cả SGK phải đáp ứng được “chuẩn của chương trình.

Quan niệm phải có một bộ sách chuẩn không chỉ trái với chủ trương “một chương trình, nhiều SGK" của Nghị quyết 88 mà còn không phù hợp với thời đại. Dĩ nhiên, công việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông còn không ít hạn chế, như đã nêu. Nhưng, đó là những hạn chế về quản lý, điều hành, chứ không phải hạn chế của chủ trương xã hội hóa.

“Việc “ban hành” một bộ SGK của “Bộ GD&ĐT” lúc này không chỉ lãng phí tiền của mà còn dẫn đến đẩy lùi xã hội hóa. Có người đã đặt câu hỏi cho tôi: Liệu có ai đó “cài” lợi ích nhóm vào việc này để độc chiếm thị trường không? Tôi chưa tin có chuyện khuất tất ở đây nhưng tin rằng những diễn biến trên thực tế sẽ cho chúng ta câu trả lời. Chỉ có điều, nếu có toan tính sai lầm thì nên dừng lại”, bà Thúy nhấn mạnh.

Gây hệ lụy lớn, khó lường

“Cần khẳng định rằng, việc xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa, thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” là đúng định hướng tại Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về “xây dựng một nền giáo dục mở”, “đa dạng hoá tài liệu học tập” và quy định tại Nghị quyết 88 của Quốc hội: “Thưc hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”. Chủ trương này chẳng những huy động được nguồn lực trong xã hội để không ngừng nâng cao chất lượng sách giáo khoa mà còn xóa bỏ thế độc quyền trong biên soạn, in ấn và phát hành sách giáo khoa. Tôi đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong cuộc họp với Đoàn giám sát của Quốc hội rằng, việc yêu cầu Bộ GD&ĐT biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa lúc này là thay đổi chính sách giữa chừng sẽ gây ra những hệ lụy lớn, khó lường cho xã hội. Các nhà đầu tư trong lĩnh vực này sẽ thiệt thòi, còn nhà đầu tư trong những lĩnh vực khác sẽ e dè khi thấy rằng môi trường đầu tư thiếu ổn định. Nếu việc xã hội hóa sách giáo khoa đổ bể, các nhà đầu tư đang tiên phong thực hiện xã hội hóa sách giáo theo lời kêu gọi của Nhà nước sẽ rơi vào tình trạng phá sản và thời kỳ độc quyền sách giáo khoa sẽ quay trở lại, ảnh hưởng sâu sắc tới việc thực hiện Nghị quyết 29”, Nhà giáo, nhà văn Đào Quốc Vịnh - quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

(Nguồn: nguoiduatin.vn)

Ngày đăng: 15-08-2023