Tạo hứng thú cho học sinh trong mỗi giờ học

Bằng các hình thức khác nhau, mỗi thầy, cô giáo chủ động sáng tạo ra các phương pháp dạy học nhằm lôi cuốn các em tham gia. Thực tế, không phải tiết học nào cũng tạo hứng thú, không phải người thầy nào cũng chú trọng điều này.

 Mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Ảnh: Trường tiểu học Lê Lợi

Ở cấp tiểu học hầu như các trường đều tổ chức dạy 2 buổi, từ thứ 2 đến thứ 6; cấp THCS và THPT dạy chương trình chính khóa một buổi, từ thứ 2 đến thứ 7; buổi còn lại dành cho các chương trình bồi dưỡng, rồi giáo dục địa phương, giáo dục thể chất, hướng nghiệp… Mỗi buổi học từ 4 đến 5 tiết, cả tuần các em phải học trên 35 tiết ở tất cả các môn. Học ở trường, học thêm, học các trung tâm ngoại ngữ..., lịch học dày đặc. Vì thế tâm trạng mệt mỏi, uể oải, căng thẳng là điều không thể tránh khỏi.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đặc biệt chú ý đến mục đích giáo dục toàn diện, phát triển các năng lực, phẩm chất cần thiết cho học sinh. Phương pháp dạy học thuyết giảng một chiều, thầy nói - trò nghe, thầy đọc - trò chép không còn phù hợp. Thay vào đó, giáo viên khi lên lớp phải đa dạng hóa hình thức dạy học nhằm tạo niềm say mê, hứng thú, lôi cuốn các em vào bài học. Làm thế nào để mỗi giờ học diễn ra sôi nổi, luôn được học sinh hào hứng chờ đợi? Điều này phụ thuộc vào cái tâm, cái tài, năng khiếu sư phạm và cả nghệ thuật lên lớp của mỗi giáo viên.

Trước hết, người thầy cần chú trọng thiết kế bài dạy phù hợp với đối tượng học sinh, vận dụng linh hoạt các phương pháp, phương tiện phục vụ bài giảng được sinh động. Điều này phù hợp với tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục hiện hành. Cô giáo Lê Thị Hải Yến, Trường THPT Trần Văn Kỷ (Phong Điền) chia sẻ: “Giáo viên nên đưa ra những câu hỏi gợi mở để kích thích người học; truyền đạt kiến thức không quá hàn lâm, từ cơ bản đến nâng cao để tất cả các em tiếp thu thuận lợi". Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy ở Trường THPT chuyên Quốc Học Huế thì cho rằng, mỗi bài giảng, giáo viên cần liên hệ thực tế để các em cảm thấy gần gũi, đừng quá chú trọng lý thuyết sách vở máy móc".

Để tạo hứng thú, say mê trong giờ học, thầy, cô giáo cần tạo cảm xúc tích cực cho học sinh bằng nhiều cách khác nhau. Một lời nói, một ánh mắt, cử chỉ thân thiện trong quá trình lên lớp của người thầy sẽ tạo cảm giác thân thương, giúp học sinh có tâm lý thoải mái, từ đó các em dễ "trải lòng" trong khi trao đổi, phát biểu xây dựng bài. Một lời khen, biểu dương kịp thời khi các em trả lời câu hỏi hay trao đổi, thảo luận với bạn có ý nghĩa động viên tích cực khiến học sinh tự tin, hào hứng... Chị Nguyễn Thúy có cậu con trai đang học lớp 5 ở Trường tiểu học Phường Đúc kể, trong giờ học tiếng Việt, cô giáo hỏi một câu khá khó, vài em đứng lên trả lời chưa đúng, cuối cùng con trai chị xung phong và trả lời chính xác; cô giáo đề nghị lớp biểu dương bằng một tràng pháo tay. Vậy là ngay khi tan học, cậu bé đã hớn hở, vui sướng khoe với mẹ về việc được cô giáo khen, được cả lớp vỗ tay biểu dương.

Đừng bao giờ chê bai hay chỉ trích khi các em trả lời sai. Với cô Hải Yến, mỗi khi học sinh phát biểu không đúng, cô vẫn nở nụ cười và đưa ra những lời nhận xét nhẹ nhàng, hài hước để học sinh đó không bị áp lực, xấu hổ trước mặt bạn bè. Còn cô Thu Thủy thì luôn chú ý tạo không khí dân chủ, lắng nghe và trân trọng ý kiến học sinh để khích lệ tinh thần xung phong, tự giác của các em. Không khí dân chủ, cởi mở này sẽ có tác dụng tạo hứng thú cho học sinh và chắc chắn giờ học sẽ trôi qua nhẹ nhàng, sôi nổi.

Tâm thế của giáo viên khi vào lớp cũng rất quan trọng. Người ta hay nói vui rằng, trước khi bước vào lớp học, người thầy cần đặt chiếc áo buồn vui của đời sống ngoài cửa lớp. Lên bục giảng bằng tất cả niềm say sưa, vui vẻ, tâm huyết, sôi nổi… chắc chắn thầy cô sẽ truyền lửa cho người học. Bất kể lý do nào, thầy cô cũng không được tạo không khí căng thẳng cho lớp học. Giữ không khí vui vẻ, tạo tiếng cười và cả những tình huống bất ngờ, thú vị trong mỗi giờ học sẽ giúp học sinh hứng thú hơn và từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giờ học. Cô giáo Mai Thị Lệ Chinh, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Dương (Huế) tâm sự: “Chúng tôi quan niệm tiết học hạnh phúc là tiết học khiến cả thầy và trò đều hứng thú, có niềm vui và có những cảm xúc tích cực. Vì thế mỗi thầy cô cần giữ tâm thế thoải mái, nhẹ nhàng, thân thiện mỗi lần lên lớp”.

(Nguồn: baothuathienhue.vn)

Ngày đăng: 19-09-2023