Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, hoạt động dạy và học được các trường ở TP. Thái Nguyên chú trọng để thực hiện quá trình chuyển đổi số (CĐS). Những tiện ích của công nghệ số góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Trường Tiểu học &THCS 915 Gia Sàng tham gia thí điểm Chương trình “Trang bị kỹ năng dạy học hiệu quả trong kỷ nguyên số”trên hệ sinh thái giáo dục AEGlobal trong hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá.

Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng tham gia thí điểm Chương trình “Trang bị kỹ năng dạy học hiệu quả trong kỷ nguyên số” trên hệ sinh thái giáo dục AEGlobal.

Để thực hiện kế hoạch CĐS, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thái Nguyên đã phối hợp tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, trang bị kiến thức cơ bản về CĐS cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường. Đồng thời, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu CĐS của các trường.

Theo kết quả rà soát, tổng số máy tính phục vụ công tác quản lý và giảng dạy của các trường trên địa bàn thành phố là 3.222 bộ. Tổng số máy chiếu và màn hình tivi 1.605 chiếc; 336 đường truyền internet và 651 bộ phát wifi. Số camera phục vụ dạy học, họp trực tuyến là 577 chiếc...

Cùng vơi đó, các nhà trường hoàn thiện thu thập thông tin, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu dùng chung ngành Giáo dục tỉnh; liên thông 100% dữ liệu báo cáo lên cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo thống nhất về dữ liệu, các phần mềm nghiệp vụ trong toàn Ngành. Đặc biệt, các trường đã chủ động khai thác học liệu số về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và trên website của đơn vị.

Hiện nay, 100% trường tiểu học, THCS tại TP. Thái Nguyên đã cấp 18.049 tài khoản MS Teams để học sinh tham gia học trực tuyến và 2.586 tài khoản cho giáo viên.

Tiêu biểu trong hoạt động CĐS có thể kể đến Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng. Tại đây, giáo viên soạn bài trên các phần mềm ứng dụng CNTT; các hoạt động quản lý điểm, phổ cập giáo dục, tài chính tài sản, công tác thống kê báo cáo đều thực hiện trên các phần mềm. Đến nay, Nhà trường đã xây dựng kho học liệu điện tử với gần 1.000 video bài giảng. 100% lớp tổ chức thiết kế các hoạt động kiểm tra thông qua ứng dụng tạo trò chơi trực tuyến. Nhiều cán bộ, giáo viên đã có các sáng kiến thiết thực được ứng dụng vào công tác dạy và học, như: “Một số biện pháp thực hiện Chương trình CĐS nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục tại Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng”; “Ứng dụng một số phần mềm giúp nâng cao hứng thú cho học sinh trong dạy học trực tuyến bài 27: Vi khuẩn – Khoa học tự nhiên lớp 6 tại Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng”…

"Nhà trường có trang web riêng để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục và đưa thông tin kịp thời tới các em học sinh, phụ huynh." - Cô Bùi Thị Thanh Hoàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng cho biết thêm.

Thực tế tại nhiều trường học khác trên địa bàn TP. Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy các trường đã sử dụng phần mềm quản lý nhà trường SMAS hoặc Vnedu trong việc quản lý dữ liệu cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và kết quả học tập. Đặc biệt, kết thúc năm học 2022-2023, các trường đã triển khai vận hành hệ thống tuyển sinh các lớp đầu cấp và hướng dẫn học sinh cuối cấp thực hiện đăng ký tuyển sinh trực tuyến.

Năm học 2022-2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thái Nguyên đã lựa chọn 5 trường: Tiểu học Đội Cấn 1, Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, THCS Chu Văn An, THCS Nha Trang; Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng tham gia thí điểm Chương trình “Trang bị kỹ năng dạy học hiệu quả trong kỷ nguyên số” trên hệ sinh thái giáo dục AEGlobal.

Kết quả, riêng trong học kỳ I năm học 2022-2023, qua hệ sinh thái này, các giáo viên và học sinh đã tương tác trên hệ thống với 1.084 slide tương tác, 304 file PDF được tải lên, 277 tiết dạy, 667 phiếu bài tập.

Ngoài ra, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hiện nay, tại các trường công lập có 98,7% phụ huynh, người giám hộ đã sử dụng tài khoản ngân hàng để nộp các khoản tiền đóng góp cho học sinh.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Quốc Hòa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thái Nguyên: Ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học ở các trường đã làm thay đổi tư duy, tác phong làm việc của các cán bộ, giáo viên và học sinh. Giáo viên các trường tích cực, chủ động, sáng tạo trong sử dụng giáo án điện tử để làm mới các tiết học, tạo hứng thú, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt. Cùng với đó, sự chủ động, tích cực trong ứng dụng CNTT của Ngành góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học trong các trường...

(Nguồn: baothainguyen.vn)

Ngày đăng: 23-09-2023