Môn học tích hợp: Ưu tiên dạy theo mạch chương trình đã thiết kế

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có hướng dẫn để gỡ khó trong thực hiện các môn học tích hợp và hoạt động trải nghiệm. Hướng dẫn thực hiện ưu tiên dạy theo mạch chương trình.

Học sinh trải nghiệm trong phân môn sinh học của môn khoa học tự nhiên tại vườn trường - Ảnh: VĨNH HÀ

Học sinh trải nghiệm trong phân môn sinh học của môn khoa học tự nhiên tại vườn trường - Ảnh: VĨNH HÀ

Từ khó khăn trong việc triển khai, Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn thực hiện với các môn học tích hợp và hoạt động trải nghiệm.

Tích hợp môn khoa học tự nhiên: Dạy theo mạch chương trình

Ở môn khoa học tự nhiên (cấp THCS), các nhà trường phân công giáo viên có chuyên môn được đào tạo phù hợp với các chủ đề dạy học trong chương trình môn học.

Trường hợp phân công giáo viên dạy 2 mạch kiến thức hoặc toàn bộ chương trình môn học phải làm từng bước để đảm bảo chất lượng.

Với hướng bố trí giáo viên này, bộ chỉ đạo tiếp tục xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với mạch chương trình đã được thiết kế.

Trường hợp khó khăn về xếp thời khóa biểu thì linh hoạt về thời gian, thời điểm thực hiện các chủ đề của môn học, đảm bảo tính khoa học, sư phạm.

Ở môn khoa học tự nhiên, bộ chỉ đạo giáo viên dạy nội dung nào, thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên ở nội dung đó.

Hiệu trưởng phân công giáo viên chủ trì phụ trách môn khoa học tự nhiên ở mỗi lớp phối hợp với giáo viên cùng dạy môn học này để thống nhất điểm đánh giá, ghi nhận xét học sinh vào sổ theo dõi và học bạ.

Riêng bài kiểm tra định kỳ phải xây dựng theo ma trận, phù hợp với nội dung môn học. Hiệu trưởng phân công giáo viên chấm bài, tổng hợp kết quả.

Hoạt động trải nghiệm: Không bắt buộc chia đều số tiết/tuần

Với hoạt động trải nghiệm, các trường phân công giáo viên có năng lực, chuyên môn phù hợp. Nhưng ưu tiên bố trí giáo viên phụ trách theo từng chủ đề.

Tại hướng dẫn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý việc xây dựng thời khóa biểu đảm bảo sự linh hoạt, không bắt buộc chia đều số tiết/tuần, không bắt buộc thực hiện lần lượt các chủ đề theo trình tự trong sách giáo khoa.

Các chủ đề được bố trí phù hợp với khoảng thời gian trong kế hoạch của giáo viên phụ trách. Hình thức tổ chức hoạt động, kiểm tra đánh giá cũng được triển khai linh hoạt.

Quá trình trải nghiệm có thể là hoạt động cá nhân, nhóm nhỏ, nhóm lớn ở các không gian trong, ngoài lớp học, trong hoặc ngoài nhà trường. Giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra quá trình thực hiện của học sinh.

Giáo viên phụ trách chủ đề nào đảm nhiệm kiểm tra, đánh giá thường xuyên chủ đề đó. Riêng đánh giá định kỳ phải xây dựng phù hợp với nội dung, thời lượng chương trình tính đến thời điểm đánh giá và do các giáo viên phụ trách thống nhất về nội dung, tiêu chí đánh giá qua sản phẩm trải nghiệm của học sinh.

Với hướng dẫn trên, về cơ bản không có xáo trộn so với việc thực hiện trước đó. Tuy nhiên chưa giúp các nhà trường, giáo viên tháo gỡ được khó khăn trong việc thực hiện các môn học mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trước đó, bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết bộ đã nắm được những khó khăn, bất cập trong việc triển khai các môn học này và "khả năng cao sẽ điều chỉnh chương trình".

Lịch sử và địa lý: Dạy đồng thời các phân môn

Với môn lịch sử và địa lý, các nhà trường cũng phân công giáo viên đảm nhiệm nội dung môn học phù hợp với chuyên môn được đào tạo.

Việc giao giáo viên đảm nhiệm toàn bộ môn học phải thực hiện từng bước, đảm bảo yêu cầu, chất lượng dạy học.

Với môn học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường có thể bố trí dạy các phân môn đồng thời trong từng học kỳ (phân môn lịch sử, địa lý) phù hợp với thực tiễn.

Việc kiểm tra, đánh giá cũng thực hiện tương tự như với môn khoa học tự nhiên.

(Nguồn: tuoitre.vn)

Ngày đăng: 26-10-2023