Tìm hiểu pháp luật trực tuyến: Kênh hiệu quả đưa pháp luật vào cuộc sống

Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức trực tuyến do Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh tổ chức đã tạo được sức lan tỏa rộng lớn, giúp học sinh, sinh viên (HS, SV) chủ động tham gia, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống.

Học sinh bậc THCS được tuyên truyền pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và thực hành chữa cháy

Sôi nổi

Xác định PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, thời gian qua, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện công tác PBGDPL với nhiều nội dung hình thức, phương pháp thiết thực. Trong đó có thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến dưới hình thức trả lời các câu hỏi trực tuyến, không phải tốn nhiều thời gian đăng ký dự thi. Nội dung dự thi gồm các văn bản pháp luật liên quan đến nhiều lĩnh vực gần gũi, quen thuộc với đời sống.

Hưởng ứng Ngày Pháp Luật Việt Nam (9/11), tháng 9/2023, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh tổ chức các cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường và quy tắc ứng xử trong trường học” và “Tìm hiểu pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ” trong HS, SV trên địa bàn tỉnh. Về nội dung, các câu hỏi đặt ra chủ yếu về kiến thức phòng, chống bạo lực học đường; quy tắc ứng xử trong môi trường học đường; trách nhiệm phát hiện, thông tin, tố giác hành vi bạo lực học đường; biện pháp ngăn ngừa bạo lực học đường; biện pháp xử lý khi xảy ra bạo lực học đường.

Đối với Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các câu hỏi nhằm cung cấp kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ; ứng xử và xử lý tình huống giao thông, điều khiển phương tiện giao thông; giải quyết khi gặp tai nạn giao thông; tiếp cận phù hợp với các quy định mới về an toàn giao thông trên đường cao tốc…

Qua tổng hợp trên hệ thống phần mềm Cuộc thi, tính đến khi kết thúc, tổng số lượt đăng ký tham gia các cuộc thi là 170.289 lượt dự thi/93.679 người dự thi; trong đó có 4.387 người trả lời đúng 10/10 câu hỏi trắc nghiệm. Cuộc thi đã thu hút 204/212 đơn vị trường học từ cấp THCS đến bậc đại học trên toàn tỉnh tham gia.

Theo ban tổ chức cuộc thi, đây là hình thức tuyên truyền, PBGDPL có nhiều ưu điểm nổi bật, thi đơn giản, nhanh gọn, dễ thực hiện mọi lúc, mọi nơi; đảm bảo người dự thi phải nghiên cứu, nắm được kiến thức pháp luật nhất định mới thực hiện phần thi có hiệu quả, chất lượng. Kết quả Cuộc thi cho thấy vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, khẳng định tính đúng đắn cho hướng đi mới của hoạt động PBGDPL trong tình hình mới.

Hướng về cơ sở

SV Mai Ly Na, Trường đại học Y Dược – Đại học Huế - người đoạt giải nhất cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường và quy tắc ứng xử trong trường học” chia sẻ, cuộc thi không chỉ tạo điều kiện cho tất cả HS, SV nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của công dân trong thi hành pháp luật. Đây là hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả nhất trong thời đại công nghệ số hiện nay. Tôi mong muốn, ban tổ chức tiếp tục duy trì hình thức tuyên truyền pháp luật này trong những năm tới, để HS, SV có thêm nhiều kênh thông tin nghiên cứu, cập nhật kiến thức về pháp luật.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp chia sẻ, với hình thức tuyên truyền pháp luật này đã góp phần nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật cho HS, SV. Ý thức chấp hành pháp luật của HS, SV có bước chuyển biến, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân, ổn định trật tự xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

“BTC tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là thông qua các hình thức thi tìm hiểu pháp luật hướng về cơ sở, gắn với việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Nội dung thi tìm hiểu pháp luật sẽ bám sát thực tiễn cuộc sống và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng cụ thể. Tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong quá trình tổ chức các hình thức thi tìm hiểu pháp luật” - ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.

Trong bối cảnh chính quyền tỉnh đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thì việc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật trên nền tảng số là hết sức thiết thực, để mọi HS, SV có cơ hội tham gia và nắm bắt các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực liên quan.

(Nguồn: baothuathienhue.vn)

Ngày đăng: 06-11-2023