Đại học Huế hướng đến đào tạo liên ngành

Đào tạo liên ngành (ĐTLN) giúp sinh viên có thêm chuyên môn, am hiểu nhiều hơn một ngành học. Điều này được đánh giá sẽ giúp sinh viên phát huy tốt nhất năng lực và tăng khả năng thành công trong nghề nghiệp sau này.

 Nhu cầu của doanh nghiệp hiện nay là các lao động có thể am hiểu nhiều lĩnh vực (Trong ảnh: Doanh nghiệp tuyển dụng lao động ở Trường đại học Nông Lâm)

Đào tạo liên ngành đầu tiên

Cuối tháng 10/2023, Trường đại học Luật, Đại học Huế chủ trì tổ chức buổi làm việc với các chuyên gia, các nhà khoa học, các trường thành viên trong Đại học Huế để thảo luận, trao đổi ý kiến xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Chính sách và Pháp luật môi trường.

Chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Chính sách và Pháp luật môi trường hướng đến mục tiêu xây dựng và mở thí điểm chương trình giảng dạy thạc sĩ mới, góp phần giải quyết những thách thức về chương trình giảng dạy bậc sau đại học về chính sách và pháp luật môi trường ở Việt Nam hiện nay. Mục tiêu quan trọng nữa là tăng cường năng lực và kỹ năng ở các cơ sở giáo dục đại học bằng cách xây dựng chương trình ĐTLN mới, sáng tạo dựa vào công nghệ thông tin và truyền thông.

PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường đại học Luật, Đại học Huế cho biết, đây không chỉ một dự án hợp tác về giáo dục mà còn là sự thúc đẩy ĐTLN trong Đại học Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Ở những quốc gia tiên tiến, ĐTLN đã có từ rất lâu, ở Việt Nam thì còn mới mẻ. Riêng Đại học Huế, đây là chương trình đầu tiên có sự kết nối ĐTLN. Đó là giữa các ngành: Luật, Môi trường và Chống biến đổi khí đổi.

“Phải thẳng thắn đánh giá rằng, lâu nay sự hợp tác giữa các trường với nhau chưa có tính đồng bộ, chưa xây dựng được những chương trình chung để phát huy hết thế mạnh của nhau. Chính vì thế, khi xây dựng chương trình thạc sĩ mới, không chỉ dừng lại tính liên ngành trong một trường, mà đó là 3 ngành của 3 đơn vị đào tạo khác nhau: Trường đại học Luật, Trường đại học Nông Lâm và Trường đại học Khoa học. Ngoài ra, còn rất nhiều đối tác khác, kể cả những đơn vị độc lập bên ngoài cùng tham gia. Tin rằng, sự lan tỏa từ chương trình ĐTLN mới này sẽ tạo tiền đề để các cơ sở đào tạo trong Đại học Huế kết nối, xây dựng được nhiều chương trình khác, sử dụng nguồn lực chung”, PGS.TS. Đoàn Đức Lương nói.

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế đánh giá, đào tạo theo hướng liên ngành là tích hợp các lĩnh vực khác nhau trong cùng một ngành đào tạo, để qua đó trang bị cho người học các kiến thức chuyên ngành, đa ngành và đa lĩnh vực, các kỹ năng nghề nghiệp tổng hợp. Mục tiêu hướng đến người học dễ dàng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động. Việc am hiểu nhiều hơn một ngành học sẽ giúp sinh viên phát huy tốt nhất năng lực của mình và thành công trong nghề nghiệp sau này.

Thúc đẩy đào tạo liên ngành

Thực tế, ĐTLN đã và đang trở thành một xu thế tất yếu và cần thiết để giải quyết các vấn đề của khoa học, lẫn thực tiễn. Quá trình toàn cầu hóa đã đặt Việt Nam nói chung và Đại học Huế nói riêng phải hòa vào dòng chảy hội nhập với các xu thế chung của thế giới; nhu cầu về đội ngũ chuyên gia, nguồn nhân lực làm chính sách, chiến lược. Những người có tư duy liên ngành với khả năng tiếp cận tổng thể để có thể nhận diện và đề xuất giải pháp các vấn đề mới đặt ra. Theo các chuyên gia, ĐTLN dự báo sẽ là xu hướng căn bản trong bối cảnh hệ sinh thái đại học được vận hành theo phương châm “Kết nối và đổi mới - sáng tạo”.

Theo TS. Nguyễn Công Hào, hiện nay trong chương trình đào tạo về chuyên ngành, Đại học Huế có thiết kế và mời các giảng viên liên quan bên ngoài tham gia giảng dạy. Còn xây dựng chương trình đào tạo theo dạng liên ngành thì Đại học Huế đang chỉ đạo các đơn vị và sẽ đẩy mạnh trong thời gian đến. Đại học Huế nhận định, khi nhiều ngành cùng giải quyết vấn đề sẽ thuận lợi hơn so với một ngành, chẳng hạn như ngành học Xây dựng hệ thống phần mềm quản lý kế toán. Nếu chỉ có Công nghệ thông tin thì không giải quyết được chuyên môn mà phải có kết hợp giữa ngành Công nghệ thông tin và Kế toán…

Đại học Huế khẳng định, chương trình ĐTLN sẽ tích hợp các kiến thức, kỹ năng từ những ngành nghề khác nhau, nhưng vẫn đảm bảo đủ các khối kiến thức về đại cương, cơ sở ngành và chuyên ngành. Chương trình đào tạo của một chương trình ĐTLN phải đảm bảo: Mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể; chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra mỗi học phần; nội dung, thời lượng mỗi học phần; phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá.

Mới đây, trên các diễn đàn về giáo dục đại học đưa ra thách thức rằng, ở nhiều quốc gia, các công việc đơn lẻ như lễ tân khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên bán hàng… được thay thế hoàn toàn bằng rô bốt. Trong tương lai gần, các nghề phức tạp hơn, như phiên dịch, tư vấn luật, kể cả giáo viên cũng có thể được thực hiện bởi máy móc với trí tuệ nhân tạo… Vì vậy, nhân lực cho thị trường lao động 4.0 cần nhiều hơn kiến thức chuyên ngành đơn lẻ. Người học cần được trang bị kiến thức đa ngành, xuyên lĩnh vực, tư duy tích cực, kỹ năng tổng hợp.

Lãnh đạo Đại học Huế cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội và bắt đầu dần hình thành các doanh nghiệp thông minh, sản phẩm thông minh, chuỗi cung ứng thông minh. Từ đó, làm thay đổi về nhu cầu tuyển dụng của các nhà tuyển dụng, cũng như nhu cầu học các ngành nghề. Vì vậy, đòi hỏi phải nghiên cứu trao đổi và đề xuất hướng đổi mới các chương trình đào tạo theo hướng ĐTLN. Các cơ sở giáo dục đại học cũng hướng đến tính đa ngành để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động; đào tạo gắn kết với công nghệ, gắn kết với nhu cầu của người học trong bối cảnh toàn cầu hóa.

(Nguồn: baothuathienhue.vn)

Ngày đăng: 24-11-2023